Ngày xưa Tú Xương từng viết: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc / Có chồng hờ hững cũng như không“, lúc đó nhà thơ viết trong bối cảnh vợ mình “Quanh năm buôn bán ở mom sông“, gia đình rất khó khăn nghèo khổ cả nhà “năm con với một chồng” đều trông chờ vào sức lao động của vợ. Cứ tưởng rằng đó là tâm sự đời riêng của tác giả, đó là chuyện của ngày tháng cũ xưa ấy thế nhưng không phải. Chuyện còn dài tập đến ngày nay và có thể còn dài về sau nữa.
Ngày nay nền kinh tế xã hội phát triển, con người cũng nhờ đó mà ngày càng nâng cao mức sống. Ấy thế nhưng không vì đó mà cuộc sống tình cảm gia đình êm ấm hơn, hạnh phúc hơn. Vẫn còn đó “thói đời ăn ở bạc” vẫn đó cảnh người phụ nữ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” và có cả những người phụ nữ sống trong những ngôi nhà sang trọng nhưng chỉ có nỗi cô đơn làn bạn cùng năm tháng.
Khi yêu đàn ông ai chẳng thề non hẹn biển, hứa những lời có cánh rằng: “Anh sẽ chăm lo cho em và yêu thương em trọn đời“, rằng: “Chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi, sớt chia nhau những buồn vui trong cuộc sống“… Khi yêu chàng nào mà chẳng quan tâm đến người mình yêu, cách sinh nhật người yêu 2 tháng đã nghĩ trong đầu món quà để tặng, nàng thích gì chàng cũng chiều miễn là nàng vui, nàng hạnh phúc… Thế nhưng khi lấy nhau về rồi, không ít anh quan niệm rằng: “Cá đã nằm trong giỏ thì có ai dại gì mà bắt ra nhét thêm mồi vào miệng nữa“.
1/ Mọi việc trong nhà phó mặc người phụ nữ
Đây là tư tưởng của không ít đấng mày râu ngày nay, với họ thì đàn ông chỉ làm việc đại sự, xây dựng sự nghiệp kiếm tiền thật nhiều là đủ còn mọi việc nấu ăn, giặt giũ, đưa đón con cái đi học… đều là việc của đàn bà. Đây là một quan niệm sai lầm, phụ nữ họ cũng có công việc riêng của mình, họ cũng phải lao động và kiếm thu nhập về cho gia đình. Ấy vậy mà nhiều ông chồng mỗi ngày hết giờ làm việc ở cơ quan vừa về đến nhà tắm rửa xong trút một đống quần áo và ngồi lì phòng khách đọc báo, nghe nhạc… mặc cho vợ đi làm về lại tất bật đón con cái đi học về, tranh thủ ghé qua chợ mua thức ăn, về nhà lại nấu nướng, tắm rửa cho con cái. Đến bữa gọi chồng xuống ăn cơm nhiều khi còn bị la nếu gọi ngay lúc ông đang chú tâm vào một tin sốt dẻo nào đó. Ăn xong chồng lại gián mắt vào màn hình tivi để mặc vợ với đống chén bát, quần áo… vợ lo giải quyết xong hết công việc thì đồng hồ cũng điểm 21h, mệt mỏi lăn lên dường lại phải phục vụ khoản ấy ấy cho chồng, không cho thì mất lòng mà có cho thì cũng là miễn cưỡng chẳng lấy gì làm hạnh phúc, thăng hoa. Năm tháng trôi qua, chẳng có lấy chút thời gian rảnh để chăm chút bản thân, nhan sắc phai tàn để rồi các ông lại chê vợ mình già nua, xấu xí rồi ra đường kiếm “phở”.
Nói chung quy lại thì từ xưa tới nay quan niệm của người Việt mình vẫn còn có phần phong kiến, luôn cho rằng công việc nhà hay những việc nhỏ nhặt là của phụ nữ. Thế nhưng trong thực tế đời sống vợ chồng nếu chúng ta biết cùng nhau san sẻ những công việc gia đình thì cuộc sống gia đình sẽ êm ấm hạnh phúc biết bao nhiêu, bà xã mình cũng đỡ vất vả hơn, còn thời gian rảnh thì các bà mới có thời gian chăm chút bản thân, trẻ đẹp lâu dài, đời sống vợ chồng cũng chăn gối mặn mà hơn…
2/ Miễn sao kiếm được nhiều tiền là đủ:
Không ít ông chồng đã có suy nghĩ này, với họ đàn ông quan trọng nhất là sự nghiệp. Có cô lấy được anh chồng làm ăn rất thành đạt, về sống trong nhà cao cửa rộng, cuộc sống chẳng thiếu thứ gì. Ngày cưới bà con xóm làng ai cũng chúc mừng cô dâu thật hạnh phúc có được người chồng giàu có, nhà gái thật may mắn có được chú rể tuyệt vời. Ấy thế nhưng cưới nhau về chưa đầy tháng, anh chồng đã bỏ cô lại một mình với người giúp việc để đi công tác. Suốt ngày cô chỉ biết đi vào rồi lại đi ra, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt cô đơn qua cánh cổng sắt lạnh lẽo. Anh chồng cứ về thăm nhà được dăm bữa nửa tháng lại đi biệt biệt ra Bắc vào Nam, rồi qua cả nước ngoài hàng tháng trời, tiền anh làm ra thật nhiều và gửi về không thiếu, thế nhưng anh không hiểu rằng điều mà người vợ cần đơn giản chỉ một nụ hôn vào mỗi sáng mai khi bình minh thức dậy, là một vòng tay ôm ấp áp yêu thương trong chiều hoàng hôn gió rỗi, là đêm thị thành dắt tay nhau sóng bước vỉa hè… Tiền cần cho cuộc sống, nhưng tiền không mua được hạnh phúc, càng không thay thế cho tình cảm được.
3/ Lười biếng vô trách nhiệm với gia đình:
Với những người chồng này thì cuộc sống của họ chỉ biết hưởng thụ và hưởng thụ. Nhiều gia đình hiện nay vợ đảm đang tháo vát, bươn chải đủ nghề, làm lụng tất bật suốt ngày cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái. Nhưng bù lại gặp phải anh chồng lại lười biếng, vô tích sự. Sáng ngủ vừa ngủ vừa mơ đến nỗi mặt trời chiếu khô răng mới bò dậy, ngáp ngáp vài cái ăn sáng xong lại nghêu ngao đánh cờ tướng uống nước trà cùng mấy ông hàng xóm, chiều về ghé quán này, quán nọ lai rai vậy là hết ngày. Tối đến lê cái thân liêu xiêu về đến nhà, có anh hiền thì chẳng thèm ăn uống lăn lên nằm ngủ nhưng tệ hơn nhiều anh lại kiếm chuyện này chuyện nọ rồi gây sự, chửi bới vợ con… Chưa kể đến những anh suốt ngày ghi đề, vé số, bài bạc, rượu chè… Nhiều gia đình cửa nhà tan hoang, hạnh phúc đỗ vỡ cũng vì cái thói vô trách nhiệm ấy của những người chồng.
Nói đến thói đời hờ hững của các ông chồng thì có muôn hình vạn trạng nhưng dưới góc nhìn của một con mắt bình thường, của một người bình thường như tôi thì chỉ xin nêu ra vài ba trường hợp trên mà thôi, mà có lẽ bấy nhiêu đó thôi chúng ta cũng đã phần nào cảm nhận được vấn đề.
Quan niệm lấy chồng để được chồng yêu, được cùng nhau san sẻ buồn vui trong cuộc sống và nắm tay nhau đi hết cuộc đời, đó là quan niệm chung của người con gái. Thế nhưng đi vào thực tế đời sống vợ chồng lại không hẳn là như vậy, bởi thế có nhiều cô mới bước về nhà chồng năm bữa nửa tháng đã thấy chán chường mà cũng chẳng biết tỏ cùng ai, và rồi cái điệp khúc ấy vẫn lặp đi lặp lại theo ngày tháng thì nguy cơ hạnh phúc đỗ vỡ là rất lớn.
Có cô khi cưới chồng, bà mẹ hớn hở bảo: “Vậy là từ nay nó có nơi nương tựa rồi” thế nhưng về làm dâu, làm vợ chưa được bao lâu đã kịp nhận ra rằng chẳng có chỗ nào để mà gọi là nương tựa cả, dù chỉ là một bờ vai. Đúng là “Có chồng hờ hững cũng như không“.
Bình Dương – 25/07/2011 13:45:17
Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!