Phân tích Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu

1185 lượt xem

Phân tích Từ ấy của Tố Hữu gồm dàn ý và 19 bài văn mẫu là tài liệu nhằm giúp cho các em lớp 11 tự học một cách thuận lợi, đặc biệt là trong việc chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp. Từ đó đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi giữa học kì 2 Ngữ văn 11 sắp tới.

Từ ấy là bài thơ hay, ý nghĩa nhất đánh dấu sự trưởng thành của một con người và của một chặng đường cách mạng gian nan. Tiếng reo vui của tác giả như hòa chung vào với niềm vui chung của nhân dân. Và để hiểu rõ hơn về nội dung bài thơ Từ ấy, mời các bạn cùng theo dõi TOP 19 mẫu phân tích Từ ấy dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Chiều tối.

Dàn ý phân tích Từ ấy của Tố Hữu

I. Mở bài

Tác giả Tố Hữu (1906 – 2002)

Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Thừa Thiên – Huế, mảnh đất thơ mộng trữ tình, gắn bó với nhiều nét văn hóa dân gian của đất nước.

Từ thời thanh niên thì ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, luôn hoạt động hăng say, luôn kiên quyết đấu tranh dù đang ở trong nhà tù thực dân.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 ông được giữ nhiều chức vụ trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, về mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Năm 1996 ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

  • Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Từ ấy: Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu, là cái mốc đánh dấu thời điểm (1937) và được kết nạp Đảng năm 1938 – Tố Hữu giác ngộ và gặp ánh sáng lí tưởng cộng sản. Đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu.
  • Nội dung chính mà Từ ấy muốn truyền đạt: Tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ trung nhiệt tình cách mạng. Đó là niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

to huu

II. Thân bài

Phân tích tác phẩm Từ ấy theo kết cấu 3 khổ thơ của bài, mỗi khổ thơ đều mang một ý nghĩa diễn tả nhất định, các em cần xác định từ ngữ quan trọng, biện pháp nghệ thuật sử dụng… để lột tả rõ từng vấn đề tác giả mong muốn.

1. Khổ 1: Diễn tả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng

  • Hai câu thơ đầu viết theo bút pháp tự sự: “Từ ấy trong tôi…” Từ ấy, là lúc nhà thơ mới vào tuổi 18 thật trẻ trung được mặt trời “chân lí” cách mạng soi sáng đường đời. Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ” cho nguồn nhiệt lượng cách mạng làm bùng sáng tâm hồn nhà thơ, “mặt trời chân lí” là một liên kết đầy sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa. Câu thơ ca ngợi ánh sáng diệu kỳ của cách mạng. Đó là thứ ánh sáng của tư tưởng cộng sản – ánh sáng của những công bình xã hội, của chân lí xã hội.
  • Hai câu thơ sau là một bức tranh vô cùng sinh động: chợt vụt thoát bay bổng, dạt dào cảm hứng lãng mạn. Những vang động và vui tươi tràn ngập trong tâm hồn được so sánh bằng những hình ảnh và âm thanh lấy từ thiên nhiên tạo vật: “vườn hoa lá”, “đậm hương” “rộn tiếng chim”.
  • Đón nhận ánh sáng cách mạng là Tố Hữu đã đón nhận một con đường thênh thang tươi sáng cho cuộc đời, cho hồn thơ: một cuộc đời có ý nghĩa thiêng liêng, to lớn, một hồn thơ bát ngát tình yêu cách mạng, yêu đồng bào.

2. Khổ 2: Biểu hiện những nhận thức về lẽ sống

  • Hai dòng thơ đầu: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người.
  • Động từ “buộc” là một ngoa dụ để thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua “ranh giới” của “cái tôi” để chan hòa mọi người “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”.
  • Từ đó, tâm hồn nhà thơ vươn đến “trăm nơi” (hoán dụ) và “trang trải” sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể.
  • Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng. Nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ “Để hồn tôi với bao hồn khổ” và từ đó như một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. Ta cũng gặp điều đó trong thơ Nguyễn Khoa Điềm — nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược: “khi chúng ta cầm tay mọi người – Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Tóm lại, Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

3. Khổ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ

  • Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Khi ánh sáng cách mạng như “Mặt trời chân lí chói qua tim”, đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu “vẹn tròn to lớn”.
  • Nhà thơ tự nhận mình “là con của vạn nhà” trong nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất; là em của “vạn kiếp phôi pha” gần gũi bằng tình cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương; là anh của “vạn đầu em nhỏ” “cù bất cù bơ”. Từ những cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp công hiến đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã hội tăm tối dưới bóng thù xâm lược.

III. Kết bài

  • Thơ Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và niềm biết ơn sâu sắc cách mạng, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng.
  • Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính, là người thanh niên trẻ trung hướng theo lý tưởng của Đảng, của cách mạng.
  • Giọng thơ chân thành và hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc.

phan tich tu ay 4

Phân tích Từ ấy siêu hay – Mẫu 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, trong những năm trường kì kháng chiến chống Pháp có biết bao con người đã ra mặt trận, đã cống hiến và hy sinh cho Tổ Quốc. “Mặt trận nghệ thuật” là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Và một trong những chiến sĩ – nghệ sĩ tích cực trong cả mặt trận kháng chiến và mặt trận nghệ thuật chính là Tố Hữu và bài thơ “Từ ấy” là tác phẩm đã ghi dấu một kỉ niệm sâu đậm trong cuộc đời ông – một tiếng reo vui đầy tự hào của nhà thơ khi đã giác ngộ lí tưởng cách mạng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
…………………………

Không áo cơm cù bất cù bơ”

Tố Hữu cũng giống như bao người thanh niên khác cùng thời trước khi đến với ánh sáng cách mạng, lúc không tìm thấy lối đi cho riêng mình thì đó là những ngày tháng mà Tố Hữu viết “Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi/ Băn khoăn tìm lẽ yêu đời/ Vẫn vơ theo mãi vòng quanh quẩn/ Muốn bước than ôi bước chẳng rời” nhưng rồi ánh sáng của Đảng như nguồn ánh sáng diệu kì làm bừng sáng tâm hồn thi nhân – tháng 7 năm 1938 Tố Hữu vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, phút giây ấy đã thăng hoa cùng nhà thơ:

“Từ vô vọng, mênh mông đêm tối
Người đã đến. Chói chang nắng dội
Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu.”

Bài thơ mở đầu bằng khổ thơ diễn tả niềm vui sướng, niềm hạnh phúc tột đỉnh và sự say mê khi bắt gặp lí tưởng Đảng của cái tôi trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Sau thời gian hoạt động tích cực trong Đoàn thanh niên cộng sản Huế, Tố Hữu vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hai chữ “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu khi mới 18 tuổi, đang “băn khoăn tìm lẽ yêu đời” nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự kiện thiên liêng khi ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam đã khiến nhà thơ bàng hoàng vì hạnh phúc, sung sướng. Nhà thơ diễn tả ánh sáng của Đảng bằng một hình ảnh thơ rất chói chang và ấm nóng: “bừng nắng hạ”. Từ “bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột: bừng sáng, bừng ngộ, bừng tỉnh. Ánh sáng ấy không chỉ tràn ngập không gian bên ngoài mà còn tỏa ra từ tâm hồn nhà thơ, nó đánh thức một tâm hồn đang lạc lối để vượt qua u tối và vươn tới ánh sáng của ngày mới:

“Con lớn lên, con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chưa biết gì.”

Hình ảnh cùng ý nghĩa ánh sáng còn được làm rõ hơn trong câu thơ:

“Mặt trời chân lí chói qua tim”

Đó là ánh sáng của một vầng mặt trời đặc biệt – mặt trời chân lí – ánh sáng của Đảng, của lí tưởng cộng sản với những tư tưởng mới mẻ, đúng đắn, tiến bộ làm xua tan trong ý thức hệ tư tưởng lạc hậu và mở ra trong tâm hồn thi nhân một chân trời mới về tình cảm, nhận thức. Nếu mặt trời của thiên nhiên đem đến ánh sáng, hơi ấm và sức sống cho muốn loài thì Đảng cũng đem đến ánh sáng của niềm tin, hơi ấm của tình người, và sự sống cho dân tộc, cho muôn người. Nhà thơ sử dụng động từ mạnh “chói” vừa miêu tả ánh sáng, vừa gợi sức mạnh xuyên thấu tư tưởng cộng sản đối với trái tim khao khát “lẽ yêu đời” của thi nhân – lí tưởng của Đảng đã thực sự làm bừng sáng tâm hồn của người thanh niên ưu tú.

Khi đến với hai câu tiếp theo, người đọc sẽ thấy được cụ thể hơn niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

Tố Hữu đã thành công trong việc dùng bút pháp so sánh “vườn hoa lá – đậm hương và rộn tiếng chim” để hữu hóa niềm vui sướng trong lòng người, đó là một thế giới tràn đầy sức sống với cả hình ảnh hoa lá xanh tươi, cả hương thơm trái cây nồng đượm, cả âm thanh rộn rã, say đắm của tiếng chim ca hót. Và đó là do ánh sáng chói chang ấp áp của mặt trời – sự hòa quyện giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ đã khẳng định tác động mạnh mẽ, kì diệu của lí tưởng cộng sản với trái tim con người. Hơn nữa Tố Hữu còn là một nhà thơ nên niềm yêu đời và sức sống mới chan chứa trong tầm hồn cũng trở thành cảm hứng mãnh liệt cho thi ca. Cách mạng không hề đối lập với nghệ thuật mà trái lại, ánh sáng kì diệu của lí tưởng cách mạng đã khơi dậy sức sống sáng tạo mới mẻ cho hồn thơ:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”

(Bài ca xuân 61)

Khổ tiếp theo của bài thơ biểu hiện những nhận thức, lẽ sống mới của cái tôi trữ tình:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Giác ngộ lí tưởng, giác ngộ nhận thức, lẽ sống đối với người cộng sản, trước hết là giác ngộ về chỗ đứng. Nhà thơ chủ động, tự giác hòa “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của những người lao khổ. Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu nguyện gắn bó mật thiết, sống chan hòa với mọi người, với “trăm nơi” với quần chúng đông đảo khắp mọi miền đất nước. Cụm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ như muốn trải rộng với cuộc đời rộng lớn, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời cần lao. Đây là điều khác biệt với các nhà thơ Mới đương thời, trong khi Tố Hữu giác ngộ cách mạng và đi theo con đường lý tưởng thì các nhà thơ mới lại đang đau buồn với cái tôi nhỏ bé, cô đơn, chôn chặt niềm đau trong những vần thơ bi lụy.

Hai câu thơ sau khẳng định tình hữu ái giai cấp trong tình yêu thương của Tố Hữu với con người và cuộc đời:

“Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Nhà thơ hướng tình yêu thương của mình tới “mọi người”, “trăm nơi”,… ; nhưng cụ thể hơn, đó là những con người thuộc giai cấp cần lao, những kiếp sống khốn khổ, bất hạnh đói nghèo. Câu thơ cuối khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết qua hình ảnh ẩn dụ về “khối đời” – đó là một cộng đồng chung cảnh ngộ. số phận, khát khao và ý chí để cùng nhau hướng tới một lí tưởng cao đẹp… những cái chung ấy sẽ đem lại cho họ một sức mạnh vô địch.

Xem thêm  Bài văn tả con mèo lớp 4 và lớp 5

Khổ thơ cuối cùng khép lại là sự chuyển biến sâu trong tình cảm của thi nhân. Là sự hóa thân của cái tôi vào cái ta chung của “kiếp phôi pha”:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”

Tố Hữu đã khẳng định sự chuyển biến tình cảm của mình. Tác giả tự nhận mình là một thành viên thân thiết ruột thịt trong đại gia đình quần chúng bị áp bức, đau khổ trong xã hội cũ. Các điệp từ “là” cùng với các từ “con”, “em”, “anh” đã khẳng định điều đó. Số từ ước lệ “vạn” chỉ số lượng hết sức đông đảo. Họ là kiếp phôi pha là chị vú em với nỗi buồn thân phận:

“Nàng nhớ con nằm trong cửi lạnh
Không chăn, không nệm ấm không màn
Có biệt chăng trong những giờ hiu quạnh
Nó gợi tên nàng tiếng đã khàn”

Hay là hình ảnh lảo đầy tớ với nỗi cơ cực thân già; là cô gái giang hồ trên sông Hương với bao nỗi nhọc nhằn của kiếp người:

“Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
Trời ôi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh”

(Tiếng hát sông Hương)

Chính vì những “người anh” phải sống “kiếp phôi pha”, những người “em” … “cù bất cù bơ” ấy mà người thanh niên cộng sản Tố Hữu say mê hoạt động cách mạnh, và họ cúng chính là đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ Tố Hữu. Không phải ngẫu nhiên mà từ đây, Tố Hữu đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với những “em bé mồ côi”, “em bé bán dạo”, “chị vú em”, “cô gái giang hô”, “lão đầy tớ”,… những con người mà tác giả cho rằng đó là “những tù nhân khốn nạn của bần cùng”.

Bài thơ “Từ ấy” là một bài thơ sâu sắc về nội dung và độc đáo và nghệ thuật. Ngòi bút tinh tế, dùng hình tượng thơ táo bạn, chói sáng, giàu khát vọng lãng mạn bay bổng, say mê. Câu thơ mạnh, cảm xúc thơ tràn đầy. Nhạc thơ biến đổi sinh động, hãm hở, dồn dập say sưa, lôi cuốn. Các biện pháp tu từ được sử dụng nhuần nhuyễn như: điệp từ, so sánh, ẩn dụ,.. tất cả làm nên một bài thơ hay và lôi cuốn người đọc.

“Thuyền còn vượt sóng không nghiêng ngả
Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi. Còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ!”

Với “Đảng và thơ”, ở tuổi lục tuần, Tố Hữu vẫn nồng nàn tâm sự như thế. Đã hơn 80 năm từ ngày Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tình yêu cách mạnh, chặng đường cách mạnh và hào khí trong thơ ông vẫn chưa tìm được đến điểm dừng, hay phải chăng điểm dừng ấy đã nằm ở vô cực của cuộc đời với ông. Bài thơ “Từ ấy” là một bài thơ của một cái tôi tràn đầy cảm xúc. Đó chính là cái tôi lần đầu được giác ngộ lý tưởng và nguyện đem cả tinh thần và tuổi trẻ của mình cho lý tưởng cao cả ấy. Bài thơ còn là một tuyên ngôn nghệ thuật và mang đậm phong cách thơ của Tố Hữu. Nó xứng đáng là một tiếng hát lạc quan, yêu đời, đắm say lí tưởng, ngày nay vẫn làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả.

phan tich tu ay 2

Phân tích Từ ấy học sinh giỏi – Mẫu 2

Tố Hữu (1920 – 2002) là một nhà thơ lớn của dân tộc, là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Cuộc đời thi sĩ và chiến sĩ của Tố Hữu luôn song hành với nhau. Trên hành trình vừa làm chiến sĩ vừa làm thi sĩ, Tố Hữu đã có nhiều cột mốc quan trọng nhưng cột mốc đáng chú ý nhất là cột mốc khi giác ngộ lý tưởng Đảng vào 1937.

Ở thời điểm này, Tố Hữu đã có một bài thơ ghi lại ấn tượng của buổi đầu ấy, bài thơ có tên “Từ ấy”. Bài thơ “Từ ấy” được in trong tập thơ cùng tên, là một trong những bài thơ đặc sắc của Tố Hữu. Bài thơ là tiếng reo vui của người thanh niên trai trẻ Tố Hữu khi được giác ngộ lý tưởng Đảng và nhận thức mới của người thanh niên ấy khi đi với cách mạng. Tiếng reo vui của buổi đầu đi với cách mạng được Tố Hữu thể hiện một cách rất hình ảnh và sinh động.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
………….
Không áo cơm cù bất cù bơ”.

Nhà thơ Tố Hữu sinh năm 1920, thời tuổi trẻ sống trong đêm trường nô lệ nhưng may mắn cho Tố Hữu là năm 1937 được giác ngộ cách mạng, rồi 1939 được kết nạp vào Đảng. Đó là thời kỳ Tố Hữu chuyển mình từ một thanh niên học sinh sang làm một chiến sĩ cộng sản. Tố Hữu đã ghi lại tâm trạng của thời kỳ này đó là thời kỳ thời điểm mà nhà thơ reo vui khi gặp lý tưởng Đảng.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

“Từ ấy” là thời điểm người thanh niên Tố Hữu đến với cách mạng, được giác ngộ lý tưởng Đảng. Thời điểm ấy trong tâm hồn nhà thơ có một sự nồng ấm nồng nhiệt của một nhiệt huyết cách mạng mà nhà thơ đã cảm giác như một thứ nắng hạ chói chang.

Cảm giác ấy là vì lý tưởng Đảng, ánh sáng cách mạng như là “mặt trời chân lý” bừng sáng “chói qua tim”. Tim là nơi hội tụ của tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, ánh sáng chân lí chói qua tim là một sự sáng bừng sáng tỏ trong tình cảm, trong nhận thức của người thanh niên cách mạng.

Sau khi được ánh sáng Đảng, lý tưởng cách mạng như mặt trời chân lý rọi vào sáng tỏ thì nhà thơ cảm thấy tâm hồn mình như được hồi sinh.

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.

Như ta đã biết trong bài thơ “Một nhành xuân” 1980, Tố Hữu đã tự thuật lại quãng đời trước khi gặp lý tưởng Đảng rằng:

“Tôi đã khô như cây sậy ven đường
Đâu ước làm chim thơm và trái ngọt
Tôi đã chết im lặng như con chim không bao giờ được hót
Một tiếng ca lánh lót cho đời”.

Một tâm hồn khô héo như thế này bỗng nhiên trỗi dậy hồi sinh. Nhà thơ cảm thấy trong tâm hồn mình xanh tươi như “một vườn hoa lá” có hương sắc hương thơm và cả “rộn tiếng chim”. Cũng có nghĩa là tâm hồn như được sống lại, rạo rực mê say, có đủ âm thanh màu sắc.

Thật khó có hình ảnh nào ví về sự hồi sinh tâm hồn hình ảnh hơn thế, sinh động hơn thế. Bốn câu thơ mở đầu với những hình ảnh thơ mới lạ sáng tạo, nhà thơ vừa thể hiện được cảm giác reo vui khi lý tưởng Đảng soi rọi vào tâm hồn mình, khi tâm hồn mình được hồi sinh dưới ánh sáng chân lý Đảng.

Sau khi tiếp nhận lý tưởng Đảng và hồi sinh tâm hồn, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã có một sự thay đổi về nhận thức, đó là phải gắn bó yêu thương những người lao khổ để xiết chặt đội ngũ chiến đấu, tác giả viết:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Nếu như các nhà thơ lãng mạn cùng thời chưa có một nhân sinh quan sống đúng, họ sống chán nản hoặc tách biệt với nhân dân. Chẳng hạn như Xuân Diệu viết:

“Ta là một là riêng là thứ nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta”.

Hay như Chế Lan Viên thì nói:

“Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng biết
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Thì Tố Hữu lại có một nhận thức mới mẻ đúng đắn đó là:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi”.

Buộc là một cách nói ngoa dụ nhưng nhằm nhấn mạnh sự gắn bó đoàn kết với mọi người với nhân dân. Và Tố Hữu xác định gắn bó đoàn kết chưa đủ mà phải trang trải tình cảm, chia sẽ yêu thương với trăm nơi với mọi nhà. Hai chữ “buộc” và “trang trải” tình cảm với mọi người với trăm nơi đã thể hiện cái nhận thức khá toàn diện về một quan niệm sống mới, tức là một nhân sinh quan mới.

Sau nhận thức buộc và trang trải tình cảm nhà thơ còn thể hiện một nhận thức mới cụ thể hơn, đó là buộc và trang trải tình cảm với bao hồn khổ là với những con người lao khổ, để không ngoài mục đích là cho “mạnh khối đời” cho mạnh đội ngũ chiến đấu. Như vậy quan niệm về gắn bó và chia sẻ tình cảm của Tố Hữu có địa chỉ cụ thể và có mục đích cụ thể.

Khổ thơ thứ hai nhà thơ đã phản ánh kết quả của lý tưởng Đảng được soi chiếu vào tâm hồn nhà thơ ở khổ thơ thứ nhất. Đó là sự hình thành một nhân sinh quan mới, đó là quan niệm sống vì mọi người vì cách mạng. Sau khi diễn tả quá trình tiếp nhận ánh sáng Đảng, sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ đi đến nêu lên trách nhiệm của mình đối với cuộc đời đối với cách mạng. Trách nhiệm đó được nhà thơ thể hiện rất cụ thể:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”.

Với vạn nhà thì làm con, với những kiếp phôi pha là quá khứ cha ông thì làm em, còn với những em nhỏ cù bất cù bơ thì làm anh. Con của mọi nhà thì phải trung hiếu với mọi nhà, em của kiếp phôi pha thì phải noi gương tiếp bước cha ông trong quá khứ, còn làm anh của đàn em nhỏ thì phải nâng đỡ che chở cứu rỗi cho họ.

Nhà thơ nêu lên trách nhiệm của mình nhưng không phải chung chung mà rất cụ thể, rất đúng với vai trò của người thanh niên trong thời điểm thời bấy giờ. Đặc biệt ở khổ thơ này tác giả có đề cập đến hình ảnh làm anh những đàn em nhỏ cù bất cù bơ, đó cũng chính là một trách nhiệm đối với những hồn lao khổ mà tác giả đã nói ở phần thơ trên.

Bài thơ “Từ ấy” đã ghi lại một cột móc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Đọc bài thơ này, người đọc cảm nhận được một Tố Hữu trong buổi đầu đến với cách mạng đã rất nồng nhiệt tiếp nhận ánh sáng lý tưởng Đảng và có một sự thay đổi khá toàn diện về nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.

Tuy viết về một thời khắc lịch sử, một thời điểm lịch sử hoạt động cách mạng của mình nhưng Tố Hữu không diễn đạt một cách khô khan mang tính khẩu hiệu, mà trái lại được diễn đạt một cách sinh động qua những hình ảnh rất gợi hình gợi cảm. Vì thế một bài thơ cách mạng những vẫn xanh tươi trong lòng người đọc.

so do tu duy tu ay
Sơ đồ tư duy Từ ấy

Từ ấy phân tích – Mẫu 3

Tố Hữu là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào thơ ca cách mạng. Ông có nhiều các tác phẩm có giá trị không chỉ về nghệ thuật văn học mà còn mang giá trị lịch sử bởi hầu hết các tác phẩm của Tố Hữu đều gắn liền với từng chặng đường của lịch sử dân tộc. Mở đầu cho thành công của Tố Hữu chính là tập thơ Từ ấy (1939) với tác phẩm cùng tên đặc biệt xuất sắc và ấn tượng. Bài thơ không chỉ bộc lộ niềm hân hoan vui sướng của tác giả khi được bước chân vào hàng ngũ của Đảng, mà còn thể hiện sự chuyển biến tích cực trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”

Trong khổ thơ đầu tiên niềm hân hoan và hạnh phúc của Tố Hữu khi được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng được bộc lộ một cách rõ rệt, chân thành và sâu sắc. Mốc thời gian “từ ấy” là một từ phiếm chỉ đặc biệt, dù không thể hiện rõ thời gian cụ thể nhưng nó lại có ý nghĩa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của tác giả. Đó là ngày ông được chính thức bước chân vào hàng ngũ của Đảng, được chiến đấu dưới danh nghĩa của Đảng, của cách mạng, là ngày mà cuộc đời vốn tăm tối, vô định của Tố Hữu lần nữa được chiếu sáng, soi đường. Thời điểm bắt gặp ánh sáng cộng sản cuộc đời, trái tim người chiến sĩ sáng rực một màu nắng chói chang, cái màu nắng của mùa hạ, rực rỡ, cháy bỏng, tràn đầy nhiệt huyết “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”.

Ở câu thơ thứ hai, ý thơ dường như nối tiếp để giải thích cho câu thơ đầu, sở dĩ lòng tác giả bừng nắng hạ, màu nắng nhiệt huyết kia là bởi một “mặt trời chân lý”. Hình ảnh này là ẩn dụ đặc sắc cho Đảng cho lý tưởng cách mạng soi đường, với sự đúng đắn, đầy triển vọng trong bước đi của thời đại. Có thể nói rằng việc đứng vào hàng ngũ của Đảng đã mở ra cho Tố Hữu một con đường mới, một cánh cửa mới đầy hy vọng, xứng đáng để người trai trẻ dành trọn cả cuộc đời và tuổi xuân. Ánh sáng cách mạng cũng Tố Hữu thoát khỏi cảnh lạc lõng, đơn độc trên con đường yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc mà ông hàng hướng tới.

Cụm “chói qua tim” là một cụm từ đặc biệt mang đến cảm giác mạnh, lý tưởng cách mạng, ánh sáng soi đường xuyên thấu trái tim người chiến sĩ, chiếu rọi mọi góc tối của tâm hồn, xua đi màn đêm tăm tối.

Vườn tôi là một rừng hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Niềm vui sướng hạnh phúc, được bộc lộ bằng các hình ảnh thiên nhiên sống động, khi Tố Hữu dùng lối so sánh trừu tượng“hồn tôi” và “vườn hoa lá”, đó là sự hân hoan, niềm vui sướng toát ra từ tận sâu tâm hồn, chân thành và giản dị. Nếu như trước khi bước chân vào hàng ngũ của Đảng, được giác ngộ, tâm hồn Tố Hữu được ví như một khu vườn khô cằn, tăm tối, thì sau mốc thời gian “từ ấy”, khu vườn đã trở nên tràn đầy nhựa sống, đầy sinh khí đến từ nguồn sáng dồi dào của nắng hạ. Tâm hồn người chiến càng trở nên phong phú, rực rỡ và nhiều sắc màu. Không chỉ thế niềm vui sướng hân hoan ấy còn được thể hiện tiếp ở câu thơ nối dòng bên dưới “Rất đậm hương và rộn tiếng chim”, có nghĩa rằng niềm hạnh phúc của Tố Hữu không chỉ dừng ở việc tràn đầy sức sống, sinh lực dồi dào, mà nó còn là sự rộn rã, reo vui đến từ sâu trong tâm hồn, tất cả đều ở mức cực đại, chín muồi. Niềm hạnh phúc không chỉ âm thầm, mà nó còn được bộc lộ bằng những xúc cảm của thính giác và vị giác, phong phú, độc đáo và lãng mạn kiểu Pháp.

Xem thêm  Truyện cười giải ngố sau những ngày mệt mỏi

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Đến khổ thơ thứ hai, để nối tiếp niềm hân hoan, hạnh phúc đến tột cùng, Tố Hữu đã thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn, càng khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của Đảng trong quá trình soi sáng và giải phóng con người khỏi những tối tăm, bế tắc, mà đầu tiên là ở việc giải phóng tâm hồn, khởi nguồn cho những nhận thức mới mẻ, tươi sáng. Bản thân Tố Hữu khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ở độ tuổi 18, ông đã nhanh chóng có những nhận thức mới mẻ về sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân, đồng thời cũng đã định ra cho mình một con đường sáng lạn. Sự chuyển biến trong tâm hồn được thể hiện rõ khi tác giả dần chuyển từ cái tôi cá nhân, bế tắc, luôn quanh quẩn trong những nỗi hoang mang, bất định, những nỗi buồn lạc lõng khi phải “chọn một dòng hay để nước trôi xuôi” sang cái “tôi” rộng mở hơn, hào sảng hơn, hướng tới một cái ta chung nhất, gây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Lúc này đây, bản thân người chiến sĩ cách mạng đã không chỉ sống cuộc đời cho riêng mình, mà càng khao khát được sống được chiến đấu vì đất nước, vì dân tộc với lý tưởng cách mạng vĩ đại. Tố Hữu đã mở rộng tấm lòng, để biết yêu thương thêm những số phận bất hạnh, khổ đau “để tình trang trải khắp muôn nơi”, đồng thời cũng tự nguyện gắn bó, kết nối với những cuộc đời xung quanh khi “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”. Sự gắn kết tình thương mến thương, sự sẻ chia khi tác giả “Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời” đã tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, bền bỉ, trở thành thứ vũ khí lợi hại, là thành trì kiên cố nhất chống lại sự chống phá ác liệt của kẻ thù. Có thể nói rằng việc trở thành Đảng viên khi còn trẻ tuổi đã mang đến cho cuộc đời Tố Hữu những bước ngoặt lớn, ông không chỉ tìm thấy cho mình con đường mới, mở ra một sự nghiệp cách mạng vẻ vang lắm gian lao, mà còn thay đổi triệt để nhận thức, từng góc một trong tâm hồn người chiến sĩ đều như được được chiếu rọi bằng ánh sáng của lý tưởng giải phóng dân tộc, làm nên một cuộc đời mới, nhiều ý nghĩa suốt mấy chục năm sau này và mãi mãi về sau.

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”

Bên cạnh sự thay đổi về nhận thức, hiểu được sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân trong vai trò người chiến sĩ cách mạng, ở Tố Hữu ta còn nhận thấy được sự chuyển biến sâu sắc trong phương diện tình cảm. Người chiến sĩ trẻ tuổi đã không còn tự ôm lấy mình, thương cảm cho cuộc đời lạc lõng, tăm tối, mà thay vào đó tác giả tự xem mình trở thành một thành viên trong “đại gia đình” 54 dân tộc anh em, không phân biệt giàu nghèo, tầng lớp, địa vị, già trẻ lớn bé, trở thành con, anh, em của vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ. Lượng từ “vạn” càng nhấn mạnh tấm lòng bao la, rộng lớn mà người chiến sĩ trẻ dành cho đồng bào mình, ấy là khao khát được hòa nhập, được đồng cam cộng khổ, được thấu hiểu từng cuộc đời, được chăm lo đến từng số phận, để ai ai cũng được ấm no, hạnh phúc. Ấy là ước mơ cũng đồng thời là lý tưởng cách mạng vĩ đại của người chiến sĩ trẻ, vừa mới bắt đầu một chặng đường giải phóng dân tộc đầy gian lao. Câu thơ bộc lộ sự tự nhận thức một cách toàn diện, sự chuyển biến tích cực trong tâm hồn của Tố Hữu. Giờ đây ông không còn chiến đấu một mình, chiến đấu chỉ vì lý tưởng của bản thân, mà hơn hết là ông chiến đấu vì cả đất nước, vì cả một dân tộc đang lầm than, vì những con người thân thương ruột thịt.

Khổ thơ đã thể hiện được những phẩm chất đáng quý của một người chiến sĩ cách mạng, noi gương Hồ Chí Minh, sống giữa đất trời có tấm lòng rộng lớn, bao la, không quản ngại gian khó, sẵn sàng đứng lên hy sinh cuộc đời vì nhân dân, vì đất nước, ý thức sâu sắc được trách nhiệm, sứ mệnh của bản thân. Biết yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu cho những mảnh đời gia khó khắp muôn nơi, bất bình, phẫn nộ trước những ngang trái, bất công, đau xót trước những cảnh lầm than, đớn đau, lấy đó làm động lực, nguồn nuôi dưỡng cho ý chí chiến đấu mạnh mẽ, không ngừng nghỉ.

Từ ấy là một trong những tác phẩm hay và tiêu biểu nhất trong chặng đường sáng tác miệt mài của Tố Hữu. Không chỉ đơn thuần là ghi dấu lại một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời cách mạng của tác giả mà ở tác phẩm này người ta thấy rất rõ được sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn của ông. Khi những dòng thơ đã thể hiện tinh tế sự chuyển đổi từ cái tôi cá nhân hồn nhiên, tươi sáng trong niềm vui hân hoan khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng sang cái ta chung khi nhận thức được sứ mệnh và trách nhiệm của Tố Hữu. Bên cạnh đó lối thơ tự nhiên, giàu hình ảnh, sức sáng tạo và sự lãng mạn khuynh hướng Pháp đã mang đến cho tác phẩm sức hấp dẫn riêng biệt, ghi danh vào một trong những tác phẩm thơ trữ tình chính nổi tiếng và đáng nhớ suốt cả chặng đường thơ của Tố Hữu, cũng như trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam bên cạnh Việt Bắc.

phan tich tu ay 2

Phân tích Từ ấy của Tố Hữu – Mẫu 4

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, ông sinh và và lớn lên tại Thừa Thiên Huế, là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ cách mạng Việt Nam. Nhắc đến thơ Tố Hữu là nhắc đến những vần thơ mang đậm tính trữ tình cách mạnh, thể hiện khát khao, ý chí của những người cách mạng nặng lòng với đất nước. Những tâm sự của ông qua từng vần thơ đều mang tầm vóc thời đại, của một cái tôi cộng đồng. Có thể nói, Tố Hữu chính là lá cờ đầu của thơ ca kháng chiến với hàng loạt các tập thơ tiêu biểu như Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận hay Máu và hoa. Bài thơ Từ ấy được trích trong tập thơ cùng tên là một bông hoa đẹp trong vườn thơ đầy hương sắc của ông.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Mở đầu bài thơ là lời thơ mang đậm chất tự sự, nhà thơ nhắc lại một sự kiện trọng đại trong đời mình. Trạng ngữ “Từ ấy” đặt đầu câu đã nhấn mạnh thời điểm đầy ý nghĩa khi tác giả bước vào hàng ngũ Đảng, được giác ngộ lý tưởng Đảng Cộng sản. Hình ảnh “nắng hạ” kết hợp với động từ mạnh “bừng” cùng nghệ thuật ẩn dụ đã khẳng định lý tưởng cách mạng tác động vô cùng mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là nắng vàng ấm áp của mùa thu hay nắng xuân mơn man nhè nhẹ mà đó là nặng hạ mang vẻ rực rỡ, chói chang làm bừng tỉnh cả nhận thức và tình cảm trong con người chàng trai tuổi 18 tràn trề sức trẻ. Đó là nguồn sáng được khởi phát từ ánh mặt trời khác thường, đặc biệt và duy nhất “mặt trời chân lý”. Nếu mặt trời tạo hóa ban tặng ánh sáng làm vạn vật sinh sôi thì mặt trời chân lý mang đến những tư tưởng, con đường đúng đắn cho cách mạng, báo hiệu những điều đẹp đẽ, tươi sáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc phía trước.

“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng”

Mặt trời chân lý rọi sáng trái tim người chiến sĩ khiến tâm hồn như rạo rực, như say mê. Hình ảnh so sánh thật gần gũi hồn tôi-vườn hoa lá càng tô đậm sức sống mãnh liệt, niềm vui cực độ của nhà thơ lúc ấy. Vườn hoa lá với một thế giới đủ hương sắc, thanh âm như hòa nhập, sôi động và dạt dào sức sống cũng như tâm hồn thi nhân lúc này đây đang vỡ òa với bao cảm xúc tự hào, tin yêu, hy vọng, vui sướng khi được lý tưởng Đảng sáng soi. Đó là một niềm vui quá đỗi lớn lao đối với một kẻ yêu nước, khát khao tận hiến đời mình cho cách mạng, cho nhân dân.

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải đến muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Trong văn học giai đoạn 1932-1945, thơ ca chủ yếu đề cao cái tôi cá nhân, họ chọn một cái tôi thoát ly để rời xa thực tại bất công, chán chường. Riêng với Tố Hữu đó là một cái tôi riêng, cái tôi gắn với cộng động, gắn cuộc đời mình, với nhân dân. Câu thơ đầy chủ động “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” đã thể hiện được một trái tim giàu tình cảm, vì nhân dân và ý thức tự nguyện gắn bó với nhân dân của tác giả. Động từ “trang trải” kết hợp với danh từ “muôn nơi” cùng lối nói quá đã cho thấy được sự đồng cảm của nhà thơ với những nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân mình trên mọi miền đất nước.

“Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Lời thơ vừa tha thiết lại vừa mạnh mẽ, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc được kết lại từ lòng nhân ái, ý thức vì mọi người. Những hồn khổ được gắn kết, những người cùng lý tưởng phải hợp sức để tạo nên sức mạnh tập thể, tiến bước trên con đường có lý tưởng cách mạng sáng soi.

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ”

Bốn câu thơ cuối bài một lần nữa khẳng định tình cảm dạt dào của người chiến sĩ với nhân dân mình. Điệp từ “là” kết hợp cùng biện pháp điệp cấu trúc và các từ cùng trường từ vựng gia đình “con”, “anh”, “em” đã nhấn mạnh được tình cảm thân thiết như tình thân ruột thịt. Đó là một tình cảm ấm áp, sẻ chia, quan tâm, lo lắng của thành viên dành cho đại gia đình lớn đang trong cơn khốn cùng, gian khổ. Đó là một tấm lòng đồng cảm, vượt lên những ích kỷ, hẹp hòi của cái tôi cá nhân để sống vì người khác. Thật xúc động khi nhà thơ đã dành những câu thơ cuối bài để viết về những “kiếp phôi pha” bất hạnh, mưu sinh dãi dầu mưa năng để kiếm sống, viết về những em nhỏ “cù bơ cù bất” đói rét trong cuộc đời. Qua những hình ảnh ấy phải chăng tác giả muốn khẳng định đến cuối cùng, lý tưởng cao đẹp nhất của Đảng cộng sản chính là chiến đầu vì nhân dân, vì hạnh phúc của những kiếp người, đặc biệt là với những phận đời nghèo khổ, thương đau.

Bằng thể thơ bảy chữ, kết hợp với giọng điệu vừa tự hào vừa tha thiết, sục sôi, tác giả đã cho thấy tâm nguyện của một thanh niên yêu nước được giác ngộ và say mê, tin yêu vào lý tưởng cách mạng. “Từ ấy” đã trở thành một bài thơ bất hủ, nhắc nhở mỗi chúng ta về ý thức và trách nhiệm với cuộc đời mình, với đất nước, nhân dân.

Phân tích Từ ấy ngắn gọn – Mẫu 5

Tố Hữu là ngọn cờ đầu của phong trào thơ cách mạng Việt Nam với những tác phẩm tự sự nhưng dạt dào tình cảm. “Từ ấy” là bài thơ rút trong tập thơ cùng tên sáng tác năm 1938, đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên cách mạng. Bài thơ chính là tiếng reo vui của tác giả khi được đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam.

“Từ ấy” là một từ chỉ thời gian đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa lớn trong cuộc đời của người thanh niên cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành, lớn lên về tâm hồn cũng như lý tưởng cách mạng. Giây phút ấy khiến cho tác giả nghẹn ngào, dường như không nói được nên lời, chỉ có thể dồn trong hai từ “từ ấy”.

Từ ấy chính là cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là tiếng lòng reo vui, rộn rã, tràn ngập tin yêu của một người thanh niên khi được đứng trong hàng ngũ cao quý của Đảng. Sau thời gian xác định “từ ấy” chắc chắn người thanh niên đó sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đời cũng như trong con đường hoạt động cách mạng của mình.

Tác giả đã mở đầu bằng một lời thơ rộn ràng, tràn ngập tin yêu:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim

Tác giả vui mừng không nói nên lời, chỉ biết ngập ngừng “từ ấy”, và sau thời gian “từ ấy” đó chính là những bước ngoặt cũng như sự giác ngộ lý tưởng lớn. Một loạt hình ảnh ẩn dụ “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý” đều mang trong mình ý nghĩa biểu tượng cho những gì tươi sáng, tốt đẹp, rạng ngời nhất.

Xem thêm  Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt

Từ “bừng” ở câu thơ đầu tiên như làm sáng lên cả bài thơ, từ bừng mang ý nghĩa là thức tỉnh, một sự thức tỉnh có quá trình. Nắng hạ là thứ nắng chói chang, nắng đẹp, tràn ngập niềm vui và sức sống. Tác giả như bước ra, thoát khỏi chốn tăm tối, bế tắc, không lối thoát của cuộc đời để đến với ánh sáng của cách mạng và niềm tin. Giây phút được bước vào hàng ngũ của đảng như là “chân lý”, điều đáng trân trọng một đời. Sự chuyển biến rõ nhất diễn ra trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng

Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Sự thức tỉnh và giác ngộ cách mạng khiến tâm hồn của người chiến sĩ trẻ như một vườn hoa tràn ngập tiếng chim và rực rỡ sắc hoa. Phép so sánh ấy thực sự rất tài tình và đầy ý nghĩa. Một tâm hồn thực sự sinh động, tràn đầy sức sống, tác giả đã biến cuộc đời mình tràn ngập niềm tin và tự hào. Chỉ với khổ thơ đầu này nhưng dường như cả bài thơ đã được vẽ lên bằng một gam màu tươi sáng và đẹp đẽ nhất.

Sự giác ngộ trong lý tưởng cách mạng đó đã hình thành nên tư tưởng lớn trong tâm hồn:

Tôi buộc lòng tôi với mọi nhà
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm vạn khối đời

Một khổ thơ vừa bộc lộ rõ nét cái tôi cá nhân vừa bộc lộ cái ta rộng lớn, bao la nhất. Từ “buộc” ở câu thơ đầu tiên gợi lên cảm giác gắn bó đối với người chiến sĩ cách mạng với mọi người. Từ “buộc” chính là sợi dây, là con đường, là lẽ sống mà người chiến sĩ đã lựa chọn và theo đuổi đến cùng. Với một tấm lòng kiên trung, tình yêu thương rộng lớn, người chiến sĩ muốn mang đến sự bình an, ấm no nhất cho nhân dân, để có thể cùng nhân dân gánh bớt nỗi khổ, cực nhọc.

Từ chân lý muốn được bao bọc, chở che, gắn bó với mọi nhà, ở khổ thơ cuối chính là lời khẳng định vị thế của mình:

Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ

Khổ thơ mang ý nghĩa liệt kê nhưng nó vẫn toát lên được tình cảm, sự tin yêu và gắn bó của người chiến sỹ đối với toàn thể nhân dân. Từ “là” được lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh mối quan hệ hiển nhiên giữa mình với nhân dân, gắn bó với họ, cùng san sẻ, cùng gánh vác khổ đau, đương đầu với sóng gió, quyết không để lùi bước. Tinh thần ấy của tác giả thực sự đáng ngưỡng mộ và khâm phục. Tác giả coi mình cũng như một người vô danh “cù bất cù bơ” nhưng có tinh thần đoàn kết và kiên trung

Quả vậy, “Từ ấy” là bài thơ ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của một con người và của một chặng đường cách mạng gian nan. Tiếng reo vui của tác giả như hòa chung vào với niềm vui chung của nhân dân.

phan tich tu ay 3

Phân tích Từ ấy – Mẫu 6

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông hoạt động cách mạng rất sớm, năm 16 tuổi gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, năm 18 tuổi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản.

Đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định cả cuộc đời cách mạng và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Từ ấy là một trong những bài thơ hay nhất được sáng tác vào giai đoạn đầu tác giả tham gia cách mạng. Bài thơ là tiếng reo vui của người chiến sĩ say mê lí tưởng, yêu nước, yêu cuộc đời, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Có thể coi bài thơ là tuyên ngôn cho tập Từ ấy nói riêng và cho toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu nói chung. Đây là quan điểm, là nhận thức sâu sắc của nhà thơ về mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân với quần chúng lao khổ, với nhân loại cần lao dưới ánh sáng chói lọi của Đảng Cộng sản.

Khổ thơ đầu thể hiện niềm vui to lớn và niềm xúc động thiêng liêng của người thanh niên yêu nước khi giác ngộ lí tưởng cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim

Mục đích của lí tưởng đó là đánh đuổi thực dân Pháp, tiêu diệt bọn vua quan bán nước, giành độc lập tự do cho dân tộc. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ có lẽ là lúc nhà thơ đã giác ngộ cách mạng và tình nguyện đứng trong hàng ngũ của giai cấp cần lao để đấu tranh tự giải phóng. Đây cũng là thời gian khởi đầu cuộc đời làm cách mạng của nhà thơ và là giây phút bừng sáng ánh nắng chói chang trong trái tim người thanh niên trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Lí tưởng đó như mặt trời chân lí đã xua tan hết u ám, lạnh lẽo, buồn đau trong tâm tư người dân mất nước. Cũng như bao người dân Việt Nam thời ấy, Tố Hữu thấm thía nỗi nhục nô lệ của người dân mất nước. Vì vậy, tâm trạng của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cách mạng cũng là tâm trạng chung của phần lớn thanh niên lúc bấy giờ.

Tố Hữu ví lí tưởng cộng sản là mặt trời chân lí, có nghĩa là nhà thơ khẳng định đây là nguồn sáng vĩ đại làm bừng thức cả trí tuệ và trái tim mình. Lí tưởng ấy không chỉ tác động tới lí trí mà còn tới tình cảm của nhà thơ (chói qua tim). Điều đó chứng tỏ rằng nội dung của lí tưởng cách mạng đã hàm chứa chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Nhà thơ đón nhận lí tưởng không những bằng suy nghĩ chín chắn, nhận thức đúng đắn mà còn bằng cả bầu nhiệt huyết sôi nổi trẻ trung. Ánh sáng lí tưởng đem lại cho nhà thơ niềm vui và gợi bao ước mơ đẹp đẽ về một thế giới đầy hương sắc, âm thanh:

Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

Câu thơ bay bổng, đậm chất lãng mạn. Nhà thơ diễn tả niềm vui sướng tột độ của một thanh niên yêu nước khi bắt gặp lí tưởng, tìm thấy lẽ sống chân chính của cuộc đời bằng những hình ảnh so sánh đầy nghệ thuật. Đó là ánh sáng chói chang mùa hạ, là màu xanh căng đầy nhựa sống của một vườn hoa lá tốt tươi tỏa hương thơm ngát, rộn tiếng chim ca.

Lí tưởng cộng sản – mặt trời chân lí – không những sưởi ấm, soi sáng tâm hồn mà còn truyền nhựa sống vào trái tim người trai trẻ. Tố Hữu sung sướng đón nhận tí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời. Chính lí tưởng cộng sản đã làm cho tâm hồn người thanh niên ấy tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.

Tố Hữu còn là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới của tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật; trái lại, cách mạng đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu.

Những từ ngữ tác giả sử dụng trong đoạn thơ có khả năng diễn tả cảm xúc mạnh mẽ: bừng (nắng hạ), chói (qua tim), đậm (hương), rộn (tiếng chim). Những hình ảnh: nắng hạ, mặt trời chân lí chói qua tim, vườn hoa lá, đậm hương, rộn tiếng chim… vừa có vẻ đẹp rực rỡ, vừa hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Khổ thơ thứ ba là hệ quả của sự giác ngộ chân lí, là lời tâm niệm được nói lên như một lẽ sống, một quyết tâm, một lời hứa thiêng liêng. Đó là thái độ tự nguyện hiến dâng cho cách mạng, tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Nếu ở khổ thơ trước với biện pháp tu từ ẩn dụ (nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá) với lời thơ bay bổng, lãng mạn thì ở khổ thơ này tác giả sử dụng ngôn ngữ giản dị mộc mạc, âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Đó là lời bộc bạch trực tiếp ước vọng chân thành của nhà thơ; là tâm niệm của “cái tôi trữ tình cách mạng”.

Tôi buộc lòng tôi với mọi người là hành động hoàn toàn tự nguyện của nhà thơ đối với giai cấp cần lao. Nhà thơ muốn tình cảm của mình được trang trải với trăm nơi, trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ với những trái tim của lớp người cùng khổ để tạo nên một khối đời vững chắc, trở thành sức mạnh to lớn phá tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn.

Trong quan niệm về lẽ sống của giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao “cái tôi cá nhân”. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi cá nhân” và “cái ta tập thể”. Động từ buộc thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của “cái tôi cá nhân” để sống chan hòa với mọi người. Từ trang trải thể hiện tâm hồn nhà thơ trải rộng ra với cuộc đời, đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của mỗi con người.

Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Trong mối liên hệ với mọi người, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Khối đời là ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung.

Có thể hiểu: khi “cái tôi” chan hòa trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào tập thể có cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội. Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, vào môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ. Ở đấy, nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu, bằng sự giao cảm của những trái tim. Qua đoạn thơ, Tố Hữu cũng khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của đông đảo quần chúng nhân dân.

Khổ thơ thứ ba cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu. Nhà thơ mong muốn tình cảm nồng nhiệt của mình sẽ trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ những trái tim của những người cùng khổ, tạo nên sức mạnh to lớn phá tan chế độ bạo tàn đầy áp bức bất công:

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ.

Trước khi giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản giúp nhà thơ không chỉ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng nghèo khổ. Hơn thế, nhà thơ đã tìm thấy tình cảm gia đình ruột thịt trong quần chúng cách mạng. Người chiến sĩ ấy tự nguyện coi mình là con của vạn nhà, Là em của vạn kiếp phôi pha, Là anh của vạn đầu em nhỏ.

Một sự tự nguyện hoàn toàn, tuyệt đối, không băn khoăn, không ngần ngại. Điệp ngữ: Tôi đã là… lặp đi lặp lại ba lần, giống như một lời tuyên thệ của một chiến sĩ khi đã đứng trong hàng ngũ cách mạng. Điệp từ là cùng với các từ con, em, anh và số từ ước lệ vạn (chỉ số lượng hết sức đông đảo) nhấn mạnh và khẳng định một tình cảm gia đinh thật đầm ấm, thân thiết.

Khi nối tới những kiếp phôi pha (những người đau khổ, bất hạnh, những người lao động vất vả, thường xuyên phải dãi dầu mưa nắng để kiếm sống), những em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ (những em bé không nơi nương tựa, phải lang thang vất vưởng nay đây mai đó), tấm lòng đồng cảm, xót thương của nhà thơ biểu hiện thật chân thành, xúc động.

Qua đó, chúng ta có thể thấy được thái độ căm giận của nhà thơ trước những bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên Tố Hữu đã hăng say hoạt động cách mạng và họ cũng chính là đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ Tố Hữu. (Cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương, cô bé đi ở trong Đi đi em, ông lão khốn khổ trong Lão đầy tớ, em bé bán bánh rong trong Một tiếng rao đêm…)

Bài thơ Từ ấy tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn cách mạng trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của Tố Hữu. “Cái tôi trữ tình” lắng đọng trong từng ý thơ, từng hình ảnh, lúc bay bổng, lúc lắng đọng, lúc là lời bộc bạch trực tiếp, chân thành những ước vọng, tâm tư khi tìm thấy lí tưởng.

Từ ấy là tiếng hát yêu thương, tin tưởng, là tiếng lòng tha thiết của một thanh niên bắt đầu giác ngộ lí tưởng, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ, hi sinh của toàn dân tộc. Vượt thời gian, sau hơn nửa thế kỉ ra đời, Từ ấy vẫn tươi xanh chất trữ tình cách mạng. Bài thơ đã tạo được sự đồng cảm, mến mộ của nhiều thế hệ yêu thích thơ Tố Hữu.

Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!

× sticky