Luận về Ngũ Luân: luân thường đạo lý, đạo làm người

104 lượt xem

“Ngũ” tức là năm, “Luân” tức là luân thường đạo lý, đạo lý làm người

Ngũ luân gồm :

  • Phụ tử hữu thân
  • Quân thần hữu nghĩa
  • Phu phụ hữu biệt
  • Trưởng ấu hữu tự
  • Bằng hữu hữu tín

1. Thứ nhất là Phụ tử hữu thân

“Phụ tử” là cha con, “hữu” là có hay phải, ”thân” là tình thân, tình thương yêu. Ở trong một gia đình cha mẹ với con cái phải có tình thân, thương yêu lẫn nhau, tình cảm đó được hình thành ngay khi đữa bé còn nhỏ, đó là một tình cảm thiêng liêng vốn có của bản tánh con người. Tuy là tình cảm đó là vốn có nhưng người làm cha làm mẹ không biết cách vun bồi cho đứa trẻ ngay từ nhỏ, mà ngược lại làm tăng thêm các tập quán xấu cho trẻ, dục vọng của trẻ nhỏ tăng lớn thì tình cảm sẽ giảm dần. Khi đứa bé lớn dần thì tình cảm giữa Mẹ con, Cha con càng ngày càng lạnh nhạt, đạo đức gia đình ngày càng suy đồi. Vì vậy trong gia đình phải là cha từ con hiếu.

ngũ luân

2. Thứ hai là Quân thần hữu nghĩa

Tức là vua tôi có nghĩa, hay gọi là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo có tình nghĩa. Nghĩa ở đây là nghĩa vụ giữa cấp trên và cấp dưới, cấp trên phải luôn quan tâm chăm lo dạy bảo tận tình cấp dưới các kĩ năng công việc, kĩ năng sống và đối nhân xử thế trong công ty, xã hội. Lời nói có khi là hòa nhã ôn tồn, nhiều khi cần nặng lời quát mắng cấp dưới nhưng luôn mang một tâm thái vô tư vì nhân viên mà dạy bảo. Tiền tài phải xem nhẹ mà đặt nặng về phẩm chất đạo đức làm người, giống như một người Cha, người anh cả trong gia đình có nghĩa vụ chăm sóc người thân.

Còn người nhân viên phải kính trọng người lãnh đạo, hết lòng với trách nhiệm với bổn phận của mình mà được lãnh đạo giao cho. Quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp phải bình đẳng như nhau, không được thấy cấp trên thì nịnh bợ, cấp dưới thì khinh thường, sống phải hòa nhã biết nhường nhịn giúp đỡ nhau thành toàn công việc, thành toàn việc tốt cho người. Tóm lại người lãnh đạo và nhân viên luôn luôn mang tấm lòng cảm ân với nhau thì mọi việc sẽ đều tốt đẹp.

3. Thứ ba là Phu phụ hữu biệt

Nghĩa là vợ chồng có khác biệt trong công việc. Thời xưa thì người đàn ông sẽ lo việc ở ngoài, còn người phụ nữ lo việc ở trong. Đàn ông vai dài sức rộng sẽ lo ổn định đời sống kinh tế vật chất cho gia đình, còn người phụ nữ thì ở nhà lo vấn đề tinh thần và nuôi dạy con cái. Hai trách nhiệm này tuy hai là một, tuy một là hai, luôn hỗ trợ nhau để xây dựng lên một gia đình hạnh phúc.

Xem thêm  Bình yên đang về

Nhưng hiện nay thì đã thay đổi nhiều, hai vợ chồng thì đi làm kiếm tiền. Ở nhà thì luôn vắng bóng người phụ nữ, con cái thì mang đi nhà giữ trẻ hay để cho Ông Bà chăm cháu, con cái không còn được nhận tình thương âu yếm của người Mẹ như trước đây nữa. Tình cảm Mẹ con không còn đằm thắm, đồng nghĩa là con cái không được nuôi dạy tốt, không những thế chúng còn học được những điều xấu, bị ô nhiễm bởi xã hội thông qua người lớn có lời nói hành động không tốt, đặc biệt là ti vi và máy tính thì không còn gì để nói, toàn dạy Sát – Đạo- Tà- Dâm.

Vì không được người Mẹ luôn bên cạnh chăm sóc, cảnh tỉnh và bảo vệ tâm tính lương thiện cho con mình. Khi đó việc nuôi dạy con cái là việc quan trọng nhất đời người vậy mà hiện nay người phụ nữ lại bỏ công việc cao cả như vậy chạy ra ngoài kiếm một chút tiền nhỏ nhoi trong xã hội. Mà xã hội hiện nay không còn như xưa, ô nhiễm nặng quá rồi, người phụ nữ đi làm rất chi là vất vả và nhiều áp lực trong công việc, ô nhiễm nhiều, đi làm thì áp lực công việc, về nhà thì lại áp lực gia đình, thật vất vả quá đi !

Nhiều phụ nữ ra ngoài kiếm tiền được nhiều thì thấy mình giỏi giang, mình không thua kém gì chồng mình, thấy mình giỏi hơn chồng mình, dẫn đến dần dần cống cao ngã mạn, không còn coi trọng chồng nữa, kéo theo coi thường Bố Mẹ và gia đình nhà chồng, thật đáng buồn thay!

ngu luan vo chong

Còn người con trai thì cũng chẳng kém gì, khi hai vợ chồng đi làm kiếm tiền thì cái trách nhiệm về kinh tế người chồng đã không xem trọng để chú tâm làm ăn, luôn nghĩ là vợ mình có tiền rồi thì mình không cần phải tích góp nhiều, vì vậy mà các thói hư tật xấu cứ theo đó mà dẫn đến, đạo đức dần suy đồi. Không những thế nhiều đàn ông lại ăn nhờ vào đồng lương của người phụ nữ mà quên đi cái bổn phận của mình, dẫn đến vợ coi thường chồng, tình cảm gia đình ngày cằng sứt mẻ,tình trạng ly hôn tăng cao, làm con cái khổ nhục cả một đời.

Có gia đình thì hai vợ chồng đi làm cả ngày, con cái để ở nhà trẻ, ở trường, tối về thì đón con cái về nhà, rồi là đi chợ nấu cơm, nào như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, tắm rửa cho con cái, cho con cái ăn học, bao nhiêu việc đổ dồn vào. Đi làm ở công ty thì đã mệt đử rồi, mà về nhà lại còn mệt hơn, ấy kể hôm nào vợ chồng vui vẻ giúp đỡ nhau công việc gia đình thì không sao, chứ hôm nào “mặt sưng mày xỉa” thì không biết nhà cửa ngổn ngang thế nào, chưa kể có những ông chồng cờ bạc rượu chè.

Xem thêm  Tôi có nên đưa con mình đi xét nghiệm ADN?

Ngược lại nếu chồng ở ngoài đi làm về thì ở nhà vợ đã cơm nước chu đáo,con cái nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, nghĩ thôi đã thấy gia đình ấy hạnh phúc rồi !Khổ cái là bây giờ mọi người chạy theo vật chất, quen tiêu tiền để ăn ngon mặc đẹp đồ rồi, cảm thấy trong gia đình một người kiếm tiền thì không đủ chi tiêu, thật ra cái gốc để trị gia là “cần kiệm”. Quan trọng không phải là bạn kiếm tiền được bao nhiêu mà cái mấu chốt là bạn tiêu tiền như thế nào, tiêu tiền quan trọng hơn kiếm tiền nhièu. Kiếm tiền là nhờ phước đức mà tiêu tiền là nhờ trí tuệ.

Nếu biết cách sống, biết cách tự làm mới thì người phụ nữ ở nhà sẽ không cảm thấy buồn mà người đàn ông đi làm sẽ không cảm thấy vất vả. Vì trách nhiệm đã rõ ràng, công việc đã bình đẳng, hai bên đều tôn trọng cảm ân lẫn nhau rồi. Thật ra người vợ còn quan trọng hơn người đàn ông trong gia đình rất nhiều. Có hay thế không mà người ta hay gọi là Vợ Chồng chứ không gọi ngược là Chồng Vợ nhỉ ?

4. Thứ tư là Trưởng ấu hữu tự

Nghĩa là người lớn người nhỏ phải có thứ tự trước sau, không được đảo lộn. Anh thương em, em kính anh. Tiền của nhẹ, oán nào sanh. Hoặc ăn uống hoặc đi đứng, người lớn trước người nhỏ sau. Gọi người lớn chớ gọi tên, với người lớn chớ khoe tài. Người lớn đứng trẻ chớ ngồi,người lớn ngồi cho phép ngồi. Người lớn phải giữ cái phép của người lớn,trẻ nhỏ phải giữ cái lễ của trẻ nhỏ.

ngũ luân thư

5. Thứ năm là Bằng hữu hữu tín

Nghĩa là bạn bè phải có tín nhiệm. Phàm nói ra tín trước tiên. Luôn luôn phải giữ chữ tin qua lời nói, không được khoác lác, nói xằng nói bậy. Không những thế, bạn bè với nhau phải có tình nghĩa, chơi với nhau vô tư, xem tiền tài nhẹ như cỏ rác, không được để tiền tài ảnh hưởng đến tình bạn, ảnh hưởng đến đức hạnh của đôi bên.

Giúp đỡ nhau chân thành lúc khó khăn mà không cầu báo đáp, làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình đúng nghĩa là một người bạn, không thái quá mà cũng không quá bất cập. Như người xưa thường dạy: “Quân tử chơi với nhau nhạt như nước, tiểu nhân chơi với nhau ngọt như mật“.

Xem thêm  Fake bill chuyển tiền ngân hàng ủng hộ bão lũ có vi phạm hay không?

Như Thầy Nhan Hồi có hỏi Đức Khổng Tử là làm thế nào để bạn bè chơi với nhau cả đời không chán, thì Ông có dạy rằng: Để bạn bè chơi với nhau cả đời không chán thì phải biết cẩn trọng lời nói vậy. Đây cũng đồng với một ý là Tín vậy. Túm lại đã là bạn bè thì luôn biết cách giúp đỡ nhau bỏ các thói hư tật xấu, cải ác làm lành, sống cuộc sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Kết luận về Ngũ Luân

Trong Ngũ luân thì luân vợ chồng là quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến gia đình nhiều nhất. Vì vợ chồng thường chăn gối má kề, cùng ở với nhau cùng một gian phòng, cùng ngủ trên cùng một cái giường thời gian dài nhất, cũng thường tâm sự những buồn vui trong cuộc sống. Vợ chồng hòa thuận thì sẽ cùng nhau dạy dỗ con cái được tốt, chủ yếu là thân giáo mà cái hạnh phúc của vợ chồng làm ảnh hưởng tâm hồn thơ ngây của con trẻ. Vợ chồng tốt thì quan hệ giữa cha mẹ với con dâu được tốt, quan hệ anh em trong gia đình được tốt, đưa đến không khí gia đình luôn thường hòa ấm cúng.

Thật ra ngồi ngẫm lại thì năm điều ngũ luân ở trên cũng là sự mở rộng của Hiếu đạo mà thành. Một người con Hiếu thảo Cha Mẹ thì luôn mong muốn cho Cha Mẹ thường vui vẻ. Nếu vợ chồng bất hòa thì sao Cha Mẹ vui được, làm sao mà gọi là Hiếu thảo được? Anh em bất hòa thì Cha Mẹ buồn thế nào? Đi làm ở công ty thì bất hòa với đồng nghiệp, làm những việc phạm pháp thất đức thì Cha Mẹ còn mặt mũi đâu đi ra đường. Mà đi ra đường mà không có thứ tự trên dưới, thất lễ với người thì người ta chửi cho là con nhà không có giáo dục, chửi ta thì ít chửi Cha Mẹ thì nhiều.

Bạn bè sống với nhau không tốt, không thật lòng, luôn ganh ghét nhau thì sao được, Cha Mẹ yên tâm được không?. Vì thế, tuy ta có phóng túng khi nghĩ về Cha Mẹ thì cũng phải thu liễm lại mà sửa đổi thân tâm, để làm tốt bản thân. Vì sao? Thân bị thương Cha Mẹ lo, Đức tổn thương Cha Mẹ tủi. Một người con Hiếu đạo thì sẽ luôn giữ được Ngũ luân, giữ được luân thường đạo lý.

Đúng là: “Quân thần xuất thân từ người con Hiếu đạo”, không chỉ là “Quân thần”, thật ra mọi việc tốt đều xuất thân từ người con hiếu đạo vậy.

Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!

× sticky