Phân tích: Hệ thống bài đánh giá hữu ích (Helpful Review System)

1940 lượt xem

Chào buổi sáng, chúc bạn một ngày tốt lành và nhiều niềm vui

Hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận về bản cập nhật mới nhất của Google vào tháng 5/2023, bản cập nhật dường như không quá mới: Helpful Review System (Google Search’s Reviews System), và nó nằm trong hệ thống bản cập nhật Helpful Content trước đó. Vậy có gì đặc biệt ở bản cập nhật lần này? Nó có ảnh hưởng tới SEO không? Ngay sau đây mình sẽ bài phân tích tổng quan về bản cập nhật này, hãy cùng xem nhé

Có gì bản cập nhật Review System?

Trong buổi hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển Google I/O, gã công nghệ khổng lồ này đã thông báo về những thay đổi sắp tới đối với hệ thống nội dung hữu ích của họ. Phiên bản cập nhật lần này nhằm nâng cao khả năng của công cụ tìm kiếm để xác định nội dung được tạo ra từ quan điểm cá nhân hoặc chuyên gia dựa trên các đánh giá và nhìn nhận, từ đó tăng cường trải nghiệm tìm kiếm cho người dùng.

Bản cập nhật này đề cập đến 3 điểm chính sau đây:

  1. Google đang cập nhật hệ thống của mình để tăng cường khả năng hiểu biết và xếp hạng nội dung dựa trên quan điểm cá nhân hoặc chuyên gia đưa ra nhận định, đánh giá.
  2. Những người sáng tạo nội dung nên tập trung vào việc cung cấp nội dung gốc, mang giá trị và tạo trải nghiệm thỏa mãn cho độc giả, đồng thời liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực chuyên môn của mình.
  3. Ngoài ra, bạn cũng nên tuân thủ các nguyên tắc của Google về cập nhật nền tảng và đánh giá sản phẩm để tối ưu hóa xếp hạng nội dung (bản cập nhật đánh giá hồi tháng 4/2023 gây ra nhiều tác động đến không nhỏ đến thứ hạng của các website).

Helpful Review System được tạo ra nhằm xếp hạng những bài viết đánh giá có chất lượng cao. Đây là những nội dung cung cấp thông tin chi tiết, phân tích sâu và dựa trên nghiên cứu gốc, được sáng tạo và viết ra bởi các chuyên gia hoặc những người đam mê và am hiểu sâu về chủ đề đó.

Review-System

Những thay đổi sắp tới trong hệ thống tìm kiếm sắp tới

Như các bạn đã biết, cứ mỗi năm, tại hội nghị Google I/O dành cho nhà phát triển, Google lại giới thiệu những cải tiến sắp tới cho hệ thống cỗ máy tìm kiếm của mình. Bản cập nhật lần này nhằm nâng cao khả năng của công cụ tìm kiếm để xác định nội dung được tạo từ quan điểm cá nhân hoặc chuyên gia, từ đó mang đến trải nghiệm tìm kiếm tốt hơn cho người dùng.

Hệ thống nội dung hữu ích là một phần quan trọng trong hệ thống xếp hạng của Google, được thiết kế để đảm bảo rằng người dùng nhìn thấy nội dung gốc, chất lượng cao trong kết quả tìm kiếm. Hệ thống này sử dụng tín hiệu trên toàn bộ trang web để đánh giá nội dung, phân biệt giữa nội dung mang lại trải nghiệm hài lòng cho người truy cập và nội dung không đáp ứng được kỳ vọng của người dùng. Nhờ vào điều này, hệ thống khuyến khích sự sáng tạo nội dung từ mọi người, dành cho tất cả những người có am hiểu về lĩnh vực của mình (ví dụ như mình làm SEO chẳng hạn, ahihii), thay vì chỉ tạo ra nội dung với mục đích thu hút lượt truy cập hay kiểu giật tít câu view.

Theo thông báo từ Google, bản cập nhật lần này được thiết lập nhằm nâng cao khả năng hiểu biết của hệ thống về nội dung được tạo từ quan điểm cá nhân hoặc chuyên gia. Điều này ngụ ý rằng hệ thống sẽ có khả năng đánh giá chuyên môn và tính xác thực của nội dung một cách tinh vi hơn, và điều này cũng  sẽ giúp xếp hạng nhiều thông tin hữu ích hơn trên kết quả tìm kiếm (hy vọng là Google làm được, loại bớt nội dung rác như hiện nay anh em ạ).

Xem thêm  Viết content bằng AI có ảnh hưởng tới SEO hay không?

Chìa khóa mở dành cho anh em đây

  1. Tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của bạn: Nội dung bạn tạo ra cần liên quan đến đối tượng mục tiêu, tập trung vào các chủ đề trong lĩnh vực chuyên môn của trang web. Nội dung được thiết kế để thu hút lưu lượng tìm kiếm hoặc khai thác các chủ đề thịnh hành không liên quan đến thị trường ngách của trang web có thể không được coi là hữu ích. Nên nhiều anh em trước đây hay viết lan man sang các chủ đề câu view lệch hẳn 180 độ khỏi chủ đề chính của website thì cũng nên cân nhắc lại.
  2. Thể hiện kinh nghiệm trực tiếp: Nội dung của bạn phải phản ánh kiến thức chuyên môn một cách trực tiếp và sâu sắc. Nội dung về sản phẩm hoặc dịch vụ cần dựa trên trải nghiệm cá nhân và điều này nên được làm rõ thông qua hình ảnh gốc hoặc thông tin chi tiết về sản phẩm dịch vụ đó.
  3. Tập trung vào một chủ đề: Trang web nên có mục đích chính hoặc trọng tâm vào chủ đề mà bạn triển khai, lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh. Cố gắng không bao gồm quá nhiều chủ đề không liên quan có thể gây nhầm lẫn cho người truy cập và công cụ tìm kiếm.
  4. Cung cấp câu trả lời đầy đủ: Nội dung nên có mục đích giáo dục hoặc hỗ trợ người dùng, giải quyết các mối quan tâm hoặc câu hỏi của họ một cách chi tiết. Nội dung mà khiến người đọc cảm thấy như họ cần tìm kiếm thông tin từ nguồn tốt hơn mới được coi là hữu ích.
  5. Đảm bảo trải nghiệm người đọc hài lòng: Người tạo nội dung nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp toàn diện cho người đọc. Ngay cả khi nội dung đáp ứng tất cả các tiêu chí trên, nó vẫn có thể không được coi là hữu ích nếu không mang lại trải nghiệm thỏa mãn cho người đọc khi họ vào trang web của bạn (cái này anh em làm Traffic User có thể tận dụng cơ hội tốt).
  6. Tránh đưa ra tuyên bố không thực tế: Trang web nên tránh đưa ra các tuyên bố không có căn cứ, chẳng hạn như đề xuất ngày phát hành sản phẩm hoặc dịch vụ khi chưa được xác nhận, nói về những điều nghe thì có vẻ rất chắc chắn nhưng lại chẳng có bằng chứng xác thực hay liên kết tới trích dẫn nào cả (Việt Nam ta gọi là nói vô căn cứ), thì ông Google kiểu: “nói có sách, mách có chứng”.
  7. Tuân thủ Nguyên tắc của Google: Tuân thủ các nguyên tắc của Google về các bản cập nhật cốt lõi và đánh giá sản phẩm cũng sẽ giúp nâng cao xếp hạng trong hệ thống nội dung hữu ích đối với bản cập nhật lần này anh em lưu ý thêm nhé.

Điều quan trọng là các nhà xuất bản phải tuân thủ những nguyên tắc này để đảm bảo rằng hệ thống của Google xem nội dung của họ là “hữu ích” và đạt được hiệu quả tốt nhất trong kết quả tìm kiếm (tranh thủ xem xét và chuẩn hóa lại mọi thứ để bơi về bờ thôi anh em)

Review-System

Helpful Review System nhằm hỗ trợ và khuyến khích những bài đánh giá chất lượng cao. Đó là những nội dung cung cấp thông tin chi tiết, phân tích sâu và nghiên cứu chuyên sâu thể hiện tính nguyên bản, được viết bởi các chuyên gia hoặc những người đam mê và am hiểu về chủ đề đó. Trang web này cung cấp giải thích chi tiết về cách hoạt động của hệ thống này và cung cấp các hướng dẫn để bạn xem xét và cải thiện nội dung.

Helpful Review System hoạt động nhằm đảm bảo rằng mọi người có thể truy cập vào những bài đánh giá chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu, thay vì chỉ là những tóm tắt thông tin đơn giản về sản phẩm, dịch vụ hoặc nội dung khác, kiểu như trước đây mấy bài TOP danh sách A, TOP danh sách B,… với mình nó chẳng có giá trị gì cả mà Google cũng cho TOP thì rất vớ vẫn.

Xem thêm  Semantic Search là gì? - Hiểu tìm kiếm ngữ nghĩa để tối ưu nội dung SEO tốt hơn

Hệ thống này được thiết kế để đánh giá các bài viết, bài đăng trên blog, trang web hoặc nội dung độc lập tương tự, mà người viết đã đưa ra những đề xuất, ý kiến hoặc phân tích chi tiết. Hệ thống không đánh giá các bài đánh giá từ bên thứ ba, ví dụ như bài đánh giá từ người dùng trong phần đánh giá của một trang bán hàng, trang chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ.

Những bài đánh giá đó có thể xoay quanh một nội dung duy nhất, so sánh hoặc danh sách xếp hạng các đề xuất (có phân tích nhận định, chứ không phải cứ lên danh sách 1,2,3…). Chủ đề của các bài đánh giá có thể rất đa dạng, từ sản phẩm như điện thoại, mỹ phẩm hay thậm chí một món ăn, đến nội dung đa phương tiện như những bộ phim, game, hoặc dịch vụ và doanh nghiệp như nhà hàng, quán cà phê hay thương hiệu nào đó.

Google Search’s Reviews System chủ yếu đánh giá nội dung do chuyên gia, tác giả đánh giá ở mức độ giới hạn trên trang web (nghĩa là không hẳn đánh giá đó có mặt ở bên ngoài). Tuy nhiên, đối với những trang web có nhiều nội dung đánh giá được viết trên đó (ví dụ như trang Trust Review của mình chẳng hạn), hệ thống có thể đánh giá bất kỳ nội dung nào trên trang web đó. Tuy nhiên, nếu bạn không có nhiều bài đánh giá nhưng lại mở quá nhiều chủ đề thì khả năng xếp hạng chất lượng cho toàn bộ trang web sẽ giảm đi (vì vậy hãy tập trung vào điểm mạnh của mình trước).

Hiện tại, hệ thống bản cập nhật Helpful Review System áp dụng cho các ngôn ngữ sau trên toàn thế giới: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nga, tiếng Hà Lan, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ba Lan.

Đối với sản phẩm, dữ liệu cấu trúc về sản phẩm có thể giúp Google xác định xem một nội dung có phải là bài đánh giá sản phẩm hay không, tuy nhiên cỗ máy tìm kiếm không chỉ dựa vào dữ liệu đó. Ngoài ra, Google cũng xem xét các yếu tố khác để đánh giá tính chất, chất lượng của một bài đánh giá. Google không chỉ dựa vào dữ liệu cấu trúc về sản phẩm mà còn xem xét các yếu tố khác như ngữ cảnh, phong cách viết và đáng tin cậy của nguồn thông tin.

Mục tiêu chính của Reviews System là đảm bảo người dùng có được những bài đánh giá chất lượng và đáng tin cậy. Google tập trung vào việc cung cấp những thông tin phân tích chi tiết và nghiên cứu gốc, được viết bởi các chuyên gia hoặc những người đam mê và hiểu biết về chủ đề đó.

Nếu bạn quan tâm đến cách hệ thống hoạt động, Google cung cấp thêm thông tin về quy trình đánh giá và cách bạn có thể đóng góp để cải thiện nội dung. Bằng cách xem xét và nhìn nhận bài đánh giá, bạn có thể đóng góp vào việc tạo ra một cộng đồng hay website đánh giá chất lượng cao hay không. Google cam kết nâng cao chất lượng và tính minh bạch của hệ thống, họ luôn lắng nghe ý kiến và phản hồi từ người dùng để cải thiện và tối ưu hóa Reviews System.

danh-gia

Thế nào là bài đánh giá có chất lượng cao?

Việc công bố những bài đánh giá chất lượng có thể giúp mọi người hiểu sâu hơn về các vấn đề mà họ đang quan tâm, như sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, trò chơi, phim hoặc các chủ đề khác. Ví dụ, bạn có thể viết bài đánh giá theo các vai trò sau:

  1. Một nhân viên có chuyên môn cao hoặc một người bán hướng dẫn mọi người so sánh giữa các sản phẩm có giá cạnh tranh trên thị trường.
  2. Một người viết blog đưa ra ý kiến độc lập với những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu hay địa điểm.
  3. Một nhân viên biên tập tại một trang web tin tức hoặc nhà báo, phóng viên,… Của trang web xuất bản tin tức khác.
Xem thêm  Tại sao Case Study SEO ít mang lại giá trị cho người đọc?

Để giúp mọi người tìm thấy bài đánh giá của anh em trên Google Tìm kiếm và các nền tảng khác của Google, anh em hãy tuân thủ các phương pháp sau:

  1. Đánh giá từ góc độ người dùng khi đọc bài đánh giá do anh em viết.
  2. Chứng minh rằng bạn hiểu rõ vấn đề đang được đánh giá – cho thấy bạn là chuyên gia trong lĩnh vực chủ đề của bài đánh giá đó.
  3. Cung cấp bằng chứng dưới dạng hình ảnh, âm thanh hoặc đường liên kết khác về trải nghiệm của bạn với nội dung được đánh giá, để tăng tính chuyên môn và độ tin cậy cho bài đánh giá.
  4. Cung cấp dữ liệu định lượng để đánh giá từ nhiều khía cạnh khác nhau của chủ đề bài viết đánh giá.
  5. Giải thích những đặc điểm làm cho sản phẩm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
  6. So sánh các điểm có thể so sánh và đáng cân nhắc hoặc giải thích những điều phù hợp nhất cho một số mục đích hoặc trường hợp cụ thể.
  7. Chia sẻ lợi ích và hạn chế dựa trên hiểu biết của bạn.
  8. Mô tả sự cải tiến của sản phẩm so với các phiên bản trước đó để tăng hiệu suất, giải quyết vấn đề hoặc cung cấp thông tin khác giúp người dùng đưa ra quyết định mua hàng.
  9. Tập trung vào các yếu tố quan trọng nhất để đưa ra quyết định, dựa trên kinh nghiệm hoặc chuyên môn của bạn.
  10. Mô tả các lựa chọn chính trong quá trình thiết kế sản phẩm và tác động của những lựa chọn đó đối với người dùng (ngoài thông tin từ nhà sản xuất).
  11. Cung cấp đường link (liên kết) đến các tài nguyên hữu ích khác để giúp người đọc đưa ra quyết định (có thể là tài nguyên của bạn hoặc các trang web khác, hoặc các dẫn chứng cụ thể).
  12. Cân nhắc việc cung cấp đường link đến nhiều người bán để người đọc có thể tự lựa chọn người bán mà họ mong muốn (món này bên websosanh rất thành công nè anh em).
  13. Khi đề xuất một sản phẩm là tốt nhất hoặc phù hợp nhất với một mục đích cụ thể, hãy trình bày lý do tại sao bạn cho rằng sản phẩm đó là phù hợp nhất, kèm theo bằng chứng thực tế của bạn (mình đọc nhiều bài review thì chán cho cách viết, nhất là mấy bài có link Affiliate thì thường đánh giá hơi quá đà, PR quá mức về sản phẩm hay dịch vụ đó, vì mấy tác giả chỉ review để ăn tiền mà).
  14. Đảm bảo rằng danh sách xếp hạng có đủ nội dung hữu ích để tồn tại độc lập, ngay cả khi bạn chọn viết từng bài đánh giá sản phẩm chi tiết riêng biệt không có sự liên quan nhau.
  15. Bài đánh giá có thể là một nguồn thông tin hữu ích để giúp mọi người đưa ra quyết định. Khi viết bài đánh giá, hãy tập trung vào chất lượng và tính độc đáo của nội dung thay vì độ dài, và sử dụng tối đa các phương pháp nêu trên. Bằng cách làm như vậy, bạn sẽ mang lại giá trị tối đa cho người đọc bài đánh giá của bạn.

Trên đây là bài chia sẻ của mình về bản cập nhật Reviews System của Google vừa ra mắt tháng 5/2023. Bài viết được tham khảo từ chính Google và qua phân tích dựa trên sự nhìn nhận, quan điểm cá nhân của mình, nếu bạn có ý kiến gì thêm hãy bình luận vào phần Facebook bên dưới, chúng ta cùng trao đổi thêm nhé.

Trịnh Bảo – Người thích chia sẻ, thích thảo luận nhưng không thích tranh luận (câu nói dối duy nhất mình từng nói: anh không mê gái, ahihi)

Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!

× sticky