Google đổi thay, chúng ta cũng cần thay đổi

1019 lượt xem

Nếu xã hội chúng ta đã trải qua thời kỳ đánh giặc dốt, giặc đói và hướng tới mục tiêu “ăn no mặc ấm” thì giờ đây đã và đang ở thời kỳ của nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”

Google cũng vậy, từ thuở sơ khai ra đời nó cũng chỉ như bao nền tảng công cụ khác của kỷ nguyên internet mới manh nha. Dần rồi xã hội phát triển, công nghệ ngày một đi lên, những năm 2000 đến 2010 là thời kỳ của cải tiến, đổi mới và cũng là thời kỳ đỉnh cao phát triển internet toàn cầu.

Trong giai đoạn này cũng là giai đoạn đánh dấu sự ra đời của smartphone, để rồi giai đoạn 2010 – 2015 sự bùng nổ của thế giới thiết bị thông minh cầm tay len lỏi mọi ngóc ngách của xã hội, từ trẻ em, thanh thiếu niên tới những cụ già, từ người thành thị tới nông thôn, miền núi,… Bắt đầu tiếp xúc dần với internet thông qua smartphone và internet.

google-thay-doi

Tại sao mình phân tích vấn đề trên như thể một bài phóng sự? Vì nó liên quan nội dung mà mình sắp trình bày và mở bài ban đầu.

Giai đoạn Google cần “ăn no mặc ấm”

Chính cái giai đoạn của 10 – 15 năm trước, khi mà số lượng người dùng internet còn hạn chế, cũng là lúc thông tin trên mạng còn hạn chế, lúc này Google rất cần dữ liệu đầu vào, chính vì vậy lưu lượng cào dữ liệu cũng trở nên “tham lam” hơn, bởi số người tham gia cung cấp dữ liệu (tác giả, blogger, các trang web cung cấp dữ liệu, mạng xã hội,…) đang quá ít, việc “đói dữ liệu” giúp cho Google dễ dàng chắt lọc, phân loại và giảm tải cho cái “dạ dày” chứa data của mình.

Những ai làm SEO từ 2010 – 2013 sẽ nhận thấy: giai đoạn đó việc nhồi nhét từ khóa vào tiêu đề, bài viết, thẻ meta, in đậm in nghiêng từ khóa, gắn thẻ tag vào nội dung, viết content theo local búa xua,… Vẫn TOP. Nhưng dần về sau, mọi thứ thay đổi dần, và giờ nhìn lại chắc nhiều người dễ dàng nhận ra sự thay đổi đó.

Giai đoạn của “ăn ngon mặc đẹp”

Từ 5-7 năm trở lại đây, mà gần hơn là 3 năm lại đây sau thập niên thứ 2 của thế kỷ mà chúng ta đang sống, có quá nhiều thứ thay đổi (thậm chí thay đổi đến chóng mặt). Số lượng người dùng thiết bị thông minh phủ hầu như toàn cầu, internet cũng len lỏi mọi ngóc ngách như hơi thở, ai cũng cầm trên tay 1 vài thiết bị truy cập web, mạng xã hội khi ra đường.

Cầu tăng thì dĩ nhiên cung cũng tăng, với miếng đất màu mỡ ấy, nhiều công ty công nghệ tung ra đủ các nền tảng web, app, mạng xã hội, game,… Thu hút người dùng, từ đó thông tin trên mạng cũng được X lên 100 lần, 1000 lần và triệu lần.

Xem thêm  search labs là gì? Google mở cửa trải nghiệm Search Generative

Lúc này, nhìn lại Google, cũng phải gồng mình như gymer chúa để nâng cấp theo, cố gắng mở rộng vòng tay mình để “vơ vét” cho hết nội dung (crawl + index), cố mở rộng cái bao tử của mình để nhồi nhét cho hết, phân loại cho hết lượng data siêu to siêu khổng lồ hơn cả bà Tân Vlog,…

Nhưng rồi một ngày, Google nhận thấy: thật nhàm chán với những món ăn cũ, món ăn được hâm đi hâm lại, nhai đi nhai lại,.. Vậy nên nó cần những món ăn độc đáo hơn, ngon miệng hơn và sang hơn. Cũng như gu thời trang chúng ta bây giờ không còn là “mặc ấm” mà “mặc sang” , “mặc đẹp”,.. Và ưu tiên nhãn hàng có thương hiệu.

Google cũng vậy, họ nâng cấp và ra đời nhiều thuật toán cốt lõi, như cố gắng tạo ra một bộ lọc khổng lồ đề lọc hết những cái gì cần thiết, cái gì “ngon” và “đẹp” để không bị bội thực. Những thuật toán lọc spam link, helpful content ra đời và ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn,… Đây chính là lúc chúng ta cần hiểu và thay đổi.

an-ngon-mac-dep

Google đổi thay, sao chúng ta còn chưa thay đổi?

Vài năm trước rất nhiều website cào bài sống khỏe, sống tốt, kéo về hàng triệu traffic và chủ web kiếm bộn tiền, có người giờ vi vu hưởng thụ cuộc sống sang chảnh đâu đó, nhưng đó là những “kẻ thức thời” biết nắm bắt cơ hội, dù không là “trang tuấn kiệt” cũng là người thông minh, tài giỏi.

Nhưng bây giờ, 5-7 tháng trước lại đây thì sự ra đi hàng loạt của những trang web cào bài, những website kém chất lượng về nôi dung (kém trong mắt Google, còn bạn khen nó thơm ngon thì đó là việc của bạn). Website nói chung, content nói riêng bây giờ như những món ăn của Google vậy, giao diện, trải nghiệm người dùng, thương hiệu kinh doanh,… trên site bây giờ như quần áo thời trang của Google vậy,… Nó sẽ lọc, chọn lấy món mà nó cho là ngon, ưu ái cho cái nó cho là đẹp, đặc biệt là thương hiệu lớn thì càng dễ lọt vào mắt xanh.

Làm sao để cung cấp cho Google cái ngon và cái đẹp? Đây cũng là điều mà mình muốn nói tới “chung ta đã đến lúc cần thay đổi”, thay đổi cả trong suy nghĩ, tư duy và cách làm nếu muốn đi một chặng đường dài và bền vững (như thường lệ, nội dung mình viết luôn muốn truyền tải tới những người làm thật, làm bền bỉ và bỏ qua những người ngắn hạn, ăn xổi)

Nếu như trước:

  • Cố gắng viết nhiều bài viết
  • Đi nhiều backlink từ mọi nguồn: báo chí, social, forum, gov, edu,…
  • Bơm thật nhiều kênh social entity (150, 200, 300,…)
  • Index nhiều url
  • Được xếp hạng nhiều từ khóa (dù không liên quan lĩnh vực)
  • Kéo được nhiều traffic (bằng content câu view, không có chuyển đổi),…
  • Cố gắng đáp ứng mọi thứ kỹ thuật mang tính công thức nhằm đáp ứng công cụ tìm kiếm
  • …..
Xem thêm  Tìm hiểu về Thuật toán Things và Thuật toán chuỗi của Google

Thì giờ đây:

  • Cần những bài viết thật sự chất lượng
  • Nội dung thật sự có ý nghĩa và giá trị cho người đọc (mà chính mình phải đóng vai là 1 độc giả đầu tiên)
  • Đi backlink có chọn lọc, đúng site, đúng thời điểm và hơn hết ưu tiên mention thương hiệu hơn là chỉ để lấy link
  • Tập trung hơn vào hành trình trải nghiệm của người dùng trên website
  • Đa dạng hóa tín hiệu từ nhiều nguồn: social, offlinne, truyền thông,..
  • Chăm sóc những kênh social chính thật sự mang lại hiệu quả hơn là tạo ra thật nhiều profile rác
  • Cố gắng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng (làm cho lên TOP, lên TOP phải tăng CTR, kéo được user vào phải giữ được chân, giữ được chân phải tối ưu hóa chuyển đổi (CRO), chuyển đổi rồi phải chăm sóc, hậu mãi để tăng tỷ lệ khách quay lại,…
  • ….

Google đã thay đổi và sẽ còn thay đổi rất nhiều, thậm chí là họ sẽ âm thầm thay đổi mà không cần báo trước (trước đây khi một website bị phạt, Google sẽ gửi thông báo cho bạn, giờ đây điều này sẽ ít khi xảy ra. Bây giờ Google update sẽ thông báo trước, sau này họ sẽ âm thầm update mỗi ngày, mỗi tháng mà bạn chẳng hề nhận ra)

Vậy bạn và tôi đã đến lúc cần thay đổi chưa? Cần, rất cần và nên thay đổi mọi góc nhìn, cách làm và tư duy SEO.

EEAT – Sẽ ngày càng quan trọng

Trước nay có thể bạn nghe khá nhiều về EAT và gần đây là EEAT, bài này mình chẳng có nêu ra định nghĩa gì về nó, bởi mấy thông tin ấy nhiều trên Google rồi.

Trong bài chia sẻ này, mình muốn cùng mổ xẻ về EEAT ở khía cạnh các hạng mục nào trên website của bạn thể hiện được EEAT, bởi nếu bạn để ý thì đọc loanh quanh trên Google toàn những bài theo hướng định nghĩa EEAT là gì, rồi phân tích theo hướng cần có cái điểm này, mặt nọ để đạt được điểm ưu về EEAT với Google.

Hãy nghĩ về E-E -AT ở 3 cấp độ khác nhau:

  • Cấp độ về nội dung tổng thể trên trang website của bạn
  • Cấp độ về tác giả phía sau mỗi nội dung của bài viết
  • Cấp độ về uy tín, độ phủ sóng của thương hiệu

Việc thể hiện các tín hiệu ở mỗi một cấp độ sẽ không còn là nên ưu tiên cái này, hay cái kia mà bạn cần tập  trung cho cả 3 cấp độ mà mình vừa nêu. Ví dụ trước đây bạn có thể đẩy mạnh tín hiệu ở cấp độ nội dung bằng cách nghiên cứu từ khóa, trình bày nội dung tốt, đầy đủ kiến thức và ý muốn truyền đạt,… Nhưng tác giả của bài viết đó là ai? Đáng tin cậy hay không? Thương hiệu của bạn có chỗ đứng nào trên thị trường? … Bạn chưa thật sự tập trung vào tối ưu EEAT

Xem thêm  Concise là gì? - Bí quyết cho nội dung SEO hiệu quả

Vì vậy sẽ có những câu hỏi như: “Bài tôi viết 100%, nhưng bên khác copy về lại TOP, còn tôi thì không,…” Điều này chẳng có gì là lạ nữa, bạn có thể đang làm tốt tín hiệu ở cấp độ nội dung và cũng có thể bao gôm cả cấp độ tác giả nhưng gần như bạn chắc chắn không thể hiện được sự uy tín của website mình ở cấp độ thương hiệu.

Giai đoạn này, mình nghĩ rất nhiều người đang thắc mắc không biết tại sao ‘thương hiệu’ lại xếp hạng cao hơn nội dung tốt và hữu ích do họ viết (ví dụ: bạn thấy những website lớn luôn được ưu tiên xếp hạng hơn những website nhỏ), và điều này quay trở lại một chút xíu ở khúc đầu mình nói “qua rồi thời chỉ ăn no mặc ấm” và “giờ là ăn ngon, mặc đẹp” vậy nên nội dung bạn viết đầy đủ chỉ như một món ăn đủ no, chưa phải mon ăn ngon được làm từ một đầu bếp có tiếng, trong một nhà hàng cũng… có tiếng.

Bây giờ ngoài nội dung tốt, bạn hãy dành thời gian xây dựng thương hiệu và uy tín, danh tiếng của tác giả (đừng hiểu nhầm ở đây lại đi mua cả 100 cái social cho author thì chết dở, bởi tác giả trên các trang web lớn, ngay cả bác sĩ trên web Vinmec họ cũng không tạo mấy cái profile vớ vỉn đó làm gì).

eeat

Kết luận:

Tài liệu SEO của Goolge luôn cung cấp đầy đủ và đúng những gì bạn nên làm, chỉ là nhiều bạn lười đọc, bạn chỉ cần gặm hết ở Cẩm nang SEO của Google là học được khối thứ hay (đọc và học nhưng làm thì nên chắt lọc).

Google ngày một nâng cấp, đủ thông minh hơn để chọn ra cái khách hàng cần kết hợp cái mà Google cho là đáng tin hơn (khi bạn search từ “giá hàu sữa” thay vì các trang hải sản lên đầu, thì Google lại đưa bài 1 công ty luật lên TOP 0, chẳng phải GG sai mà rõ ràng thà nó tin một công ty luật hơn là 1 “con buôn hải sản”)

Hãy cố gắng tập trung vào cả 3 yếu tố:

  • Content: Bao gồm toàn bộ những gì bạn nhìn thấy được trên website của bạn, từ nội dung, giao diện, hình ảnh, video,… thậm chí 1 cái button hotline cũng là content
  • Tác giả: Bạn là ai? Thông tin cá nhân như nào? Thành tựu đạt được là gì? Bằng cấp, trình độ chuyên môn ra sao?
  • Thương hiệu: Doanh nghiệp bạn tên gì, thành tựu gì? Tầm ảnh hưởng trong ngành như nào? Ai, đơn vị tổ chức nào đã có những đánh giá về doanh nghiệp của bạn?

Hy vọng bài viết này, mang đến cho bạn một chút thay đổi về góc nhìn khi làm SEO, tôi cũng đang trên con đường tìm đọc, học và chắt lọc… Dù đã nghỉ làm SEO

Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!

× sticky