Đã từ lâu: trong tư duy làm SEO của nhiều người bị in hằn cái việc gắn link lên các bài báo và guest post, không chỉ vậy còn so đo tính toán giữa link DO và link NO.
Sáng nay post cái status, và đọc được comment rất tâm đắc “”Mention brand khi đi offpage mới là điều nên làm. Càng được mention ở những tổ chức phát hành lớn, event lớn, cơ quan chuyên môn uy tín, cơ quan báo chí lớn thì càng ngon…”
Điều này không có gì mới, những ai làm SEO whitehat và triển khai SEO theo hướng bền vững cho 1 dự án mà khách hàng là một doanh nghiệp có định hướng phát triển lâu dài, vững mạnh thì đều hiểu
Duy chỉ có một số cá nhân tự làm SEO cho mình hoặc những dự án với ngân sách nhỏ vẫn chưa nắm hết cách triển khai, kèm theo đó việc tính toán sử dụng ngân sách sao cho hợp lý vẫn đang là một bài toán khó. Điều này thi thoảng chúng ta có thể bắt gặp đâu đó trên các diễn đàn, hội nhóm có các câu hỏi như “ngân sách 5 triệu thì nên đi 3 bài báo nhỏ link DO hay đi 1 bài báo lớn link NO”
Bài toán về làm thương hiệu, không còn dừng lại ở phạm vi một dự án SEO, nó là bài toán của chiến lược marketing tổng thể và lâu dài. Do đó mọi hoạt động liên quan đều có tác động nhất định, một trong số đó là có tác động đến SEO offpage
Như chúng ta thấy, mấy năm gần đây Google ngày càng đề cao cái gọi là thẩm quyền và độ tin cậy, đề cao cái giá trị thực thể, hay nói cách khác họ muốn những gì ngoài đời thực được thể hiện khớp với những gì người dùng tìm kiếm trên internet. Chính vì lẽ đó, nếu chúng ta theo dõi và để ý các bản cập nhật gần đây thì chủ yếu vẫn xoay quanh 3 chữ “đáng tin cậy”, từ việc xử lý link spam, nội dung rác, đến ưu tiên nội dung hữu ích, và EAT thành EEAT. Vậy làm sao để doanh nghiệp của chúng ta, website của chúng ta hay chính bản thân chúng ta trở nên “đáng tin cậy” trong mắt của Google?
Nếu chúng ta đang có một doanh nghiệp, và muốn phát triển doanh nghiệp mình đi đường dài với định hướng rõ ràng, thì việc lên một kế hoạch tổng thể cho marketing cả online và offline là điều nên có, điều này bao gồm cả việc triển khai SEO. Không nên áp dụng và tư duy theo kiểu logic ngắn hạn giống blackhat, nghĩa là đừng cố tạo ra 1 cú nhảy vọt nào về chỉ số ranking của từ khóa hay traffic trong khi không chắc chắn về tính bền vững hoặc tạo ra giá trị chuyển đổi thực tế cho hoạt động kinh doanh.
Khi triển khai SEO cho dự án của mình, vẽ ra một đường thẳng từ điểm khởi đầu tới đích (mục tiêu) theo kiểu A – Z kèm lộ trình thời gian là điều cần thiết, tiếp tục chia nhỏ từng giai đoạn ra và thực hiện, đo lường và tối ưu dần.
Ví dụ dẫn chứng…
Ví dụ 1:
Vietnam Idol 2012 có phần dự thi của thí sinh Nguyễn Hồng Quang với bài hát do anh chàng tự sáng tác mang tên “Mất trí nhớ”, ngay sau đó anh chàng bị loại (xem lại video phần thi bài hát Mất Trí Nhớ). Thế nhưng cũng chính bài hát bị “chê” ấy, sau đó được ca sĩ Chi Dân thể hiện thì lại trở nên nổi tiếng và HOT 1 thời gian.
Vậy câu chuyện ở đây là gì? Là do thật sự bài hát đó dở, hay người hát dở? Tất cả là bởi: Chi Dân (dĩ nhiên hát hay hơn) nhưng là một ca sĩ đã nổi, còn thí sinh kia thì là cái tên không ai biết đến.
Ví dụ 2:
Có lần mình post 1 cái status hài hước lên Facebook, nhưng sau 1 ngày thì chưa tới 200 lượt like. Cũng status đó ông bạn Luật sư Trung của mình đăng lại trên Facebook cá nhân bạn đó thì chỉ nửa ngày đã có hơn 5000 lượt like.
Như vậy qua hai ví dụ trên chúng ta thấy, dù nội dung bài hát hay status không hề thay đổi, nhưng kết quả tại sao lại khác nhau? Vấn đề nằm ở chỗ “cùng 1 câu nói, nhưng được nói ra bởi ai mới là điều quan trọng”
Vậy nên hai ví dụ trên đây cũng là giải thích cho việc “chúng ta tự viết một bài viết rất tâm huyết, nhưng sau khi index thì chỉ được xếp hạng trang 2, trang 3,.. Ấy thế mà một bên khác lấy bài của chúng ta về đăng lại thì TOP 1, TOP 2,…” khi đó chúng ta có thấy bất công, bực bội và thậm chí có người “khó hiểu” đúng không? Tuy nhiên sẽ rất dễ hiểu nếu chúng ta nhìn lại 2 ví dụ mà mình vừa nêu ở trên.
Giả sử: khi này chúng ta đi mua backlink link, book báo cho cái bài viết đó, liệu chúng ta có chắc chắn giành lại TOP? Và liệu Google sau khi nhận tín hiệu từ vài cái backlink hay link báo đó, có đánh giá lại về độ “đáng tin cậy” cho website hay thương hiệu của chúng ta hay không?
Mình còn thấy hài hước hơn là một số chúng ta bỏ tiền đi xây loạt profile trên các nền tảng, rồi cho nó là xây dựng thực thể cho Author trong khi chính bản thân lại chẳng làm gì để xây cái “thực thể” của riêng mình.
- Các bạn có thấy: rất nhiều người cố gắng book báo PR về bản thân rất nhiều, nhưng các bạn thử hỏi họ xem có đăng ký được tick xanh Facebook chính chủ bằng mấy cái link báo đó hay không?
- Các bạn có thấy: dù bạn có xây hàng trăm cái profile để tạo “trust” cho author, nhưng khi hỏi bạn là ai thì chẳng ai biết tới? Vậy bạn cố chứng minh cho Google biết đến và tin tưởng bạn hơn chăng?
- Các bạn có thấy: những người như TS. Lê Thẩm Dương, hay Bầu Đức,… Họ có bao nhiêu cái tài khoản Profile để tăng uy tín?
- Các bạn có thấy: Dược sĩ, Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung trên web của Vinmec có bao nhiêu cái profile mạng xã hội?
Đến đây, có thể các bạn đã hiểu được phần nào về cái gọi là “độ tin cậy’ và “thương hiệu” rồi, liệu chúng ta có nên tiếp tục cách làm cũ? Bơm tiền vào để mua những thứ hoa lá cảnh trong khi gốc rễ chưa thật sự sâu?
Vì vậy việc chúng ta xây dựng entity, book báo hay mua guest post là điều tốt, tất cả đều nằm trong một mục đích chung để xây dựng nên thương hiệu, nhưng cách làm khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau, chúng ta nên cân nhắc xem triển khai như nào là hợp lý “giảm chi phí, tăng hiệu quả”. Khi đi mua guest post hay book báo để đặt, cũng đừng quá đặt nặng các vấn đề về link DO hay NO (điều này có lẽ những anh em bán tài nguyên là hiểu nhất và cũng tốn thời gian giải thích nhất cho anh em làm SEO). Thậm chí ở một số ngữ cảnh nhất định, bạn vẫn cứ book báo viết bài PR nhưng không cần gắn link vẫn tốt, thậm chí tốt hơn là gắn link.
Sẽ có bạn đặt câu hỏi: làm sao để có thương hiệu hay tiền đâu để xây thương hiệu thì mình không nói?
Như đã nói lúc đầu: thương hiệu là bài toán tổng thể, lâu dài không phải ngày một ngày hai tạo ra cái scandal là trở nên nổi tiếng (ngay cả trong giới showbiz có tạo ra scandal để nổi thì cũng sớm chìm). Và làm SEO cũng vậy, nếu chúng ta làm dự án ngắn hạn hay triển khai SEO cho khách hàng, nhân viên SEO cho sếp,… thì khác, nhưng nếu chúng ta là chủ website, là chủ doanh nghiệp thì cần tính toán kỹ từng giai đoạn, ngân sách và ước lượng tính hiệu quả.
Gợi ý chiến lược xây dựng thương hiệu tối ưu
- Xây dựng chiến lược nội dung đa nền tảng: Website, TikTok, Facebook, Youtube,… chúng ta đừng tham 50, 100 hay 300 kênh, chỉ cần 5-10 kênh nhưng chất lượng, có được lượng follow và view tăng trưởng tốt đã là thành công
- Lấy danh nghĩa thương hiệu tham gia các sự kiện chuyên ngành (triển lãm, hội chợ, CLB hội nhóm,..). Tham gia các chương trình cộng đồng (từ thiện, tặng quà, lễ hội,…), bỏ tiền mua các giải thưởng, cúp danh hiệu (cái này hiện nay đầy)
- Đăng ký đầy đủ những thứ bé bé như (thông báo Bộ Công Thương, Tín Nhiệm Mạng,…)
- Book một số hạng mục báo chí (có gắn link và có cả báo chẳng cần gắn link gì, cứ tập trung vào mention thương hiệu)
- Book mấy KOL, KOC hoặc có tiền hơn thì làm nhà tài trợ cho một số chương trình, sự kiện
- Và… tận dụng luôn cả chính bản thân mình làm “sản phẩm” để PR bằng cách “cho đi” những giá trị mang tính chia sẻ cộng đồng, lan tỏa yêu thương,… Khi chính chúng ta nổi tiếng thì thương hiệu chúng ta sở hữu cũng trở nên nổi tiếng (hiện nay thương hiệu cá nhân đang là một vũ khí cực mạnh)
…. Và nhiều chiến lược khác, không thể list ra hết và đây chỉ là mang tính tham khảo, tùy ngân sách tiền, năng lực, mối quan hệ và thời gian mà chúng ta dành cho nó là bao nhiêu mà thôi (có những thứ chẳng mất tiền đâu, nên đừng đặt nặng quá về “tiền đâu”)
Cuối cùng:
- Tập trung vào giá trị thật của Doanh nghiệp, của thương hiệu và của Website chúng ta
- Lên kế hoạch rõ ràng về lộ trình, hạng mục, ngân sách
- Đo lường hiệu suất và tối ưu theo từng giai đoạn
- Mọi thứ tích cực về hoạt động offline sẽ mang lại giá trị gián tiếp cho SEO nói riêng và kinh doanh online của chúng ta
Đôi dòng chia sẻ, hy vọng các bạn sẽ có được điều gì đó để suy nghĩ, để chiêm nghiệm sau khi đọc bài viết trên của mình, bài viết hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân để phân tích và chỉ mang tính đưa ra góc nhìn để thảo luận, không hề có ý khẳng định điều gì nên mình sử dụng từ “chúng ta” để nói chung có cả mình trong đó, tránh bị hiểu nhầm là lên bài dạy đời ai.
Chúc các bạn thành công
Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!