Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Ghi chú: Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, một nhánh của dãy Trường Sơn ở Trung Việt, chạy thẳng ra biển làm ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Đôi nét về Bà huyện Thanh Quan
Bà huyện Thanh Quan (1805-1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, là một nữ thi nhân trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Bà người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội. Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783 đời vua Lê Hiển Tông. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ của Lưu Nghị (1804-1847) người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông Nghị đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mạng thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà huyện Thanh Quan. Ông làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).
Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung trung giáo tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời. Không biết rõ chính xác về thời gian sống của bà nhưng theo nhiều tư liệu ghi chú là bà sinh năm 1805 và mất năm 1848 ở tuổi 43. Mộ bà được đặt bên bờ Hồ Tây (Hà Nội), nhưng sau này sóng gió đã làm sạt lở không còn tăm tích.
Sáng tác của Bà huyện Thanh Quan còn lại rất ít ỏi, đều bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật.
Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!