Bán lược cho sư? Đây là một điều phi lý và bạn nghĩ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được vì nhà sư thì làm gì có tóc. Nếu không có tóc sẽ không có nhu cầu sử dụng lược, và nếu không có nhu cầu thì sao bạn có thể bán lược được cho nhà sư? Nếu bạn đã từng nghe đến câu chuyện kinh doanh này, bạn sẽ có một cách nhìn khác về việc bán hàng hiện tại của doanh nghiệp mình. Câu chuyện như sau: Một công ty muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người 100 cây lược và yêu cầu họ vào chùa để bán lược cho các nhà sư. Có rất nhiều người không bán được một chiếc lược nào và bỏ cuộc, tuy nhiên có 3 người bán được lược cho nhà sư
- Người thứ nhất mang lược đến chùa, đã bị các nhà sư mắng và đuổi đi. Tuy nhiên, anh này vẫn cầu xin các nhà sư mua lược và có một nhà sư thương tình mua cho anh một chiếc lược.
- Người thứ hai đi xung quanh chùa, thấy tóc mình bị gió thổi bay liền đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Trên núi cao, gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến dâng hương mà tóc tai rối bù sẽ không thành kính trước cửa phật. Vì vậy, nhà chùa nên chuẩn bị một số lược để các phật tử chải tóc cho gọn gàng trước khi vào dâng hương”. Và anh đã bán được 10 chiếc lược cho nhà chùa có 10 lư hương.
- Người thứ ba anh đến một ngôi chùa lớn nhất vùng, rất nhiều người đến đây thắp hương. Anh đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm phật tử đến thắp hương. Chùa ta lớn như vậy, thiết nghĩ nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện. Con có mang ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin hãy viết lên ba chữ: “lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà thật nhiều ý nghĩa” Nhà chùa nghe xong rất hứng thú và mua cả 100 chiếc lược để làm quà.
Thông qua câu chuyện trên, có thể thấy: Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù và chịu khó. Người thứ 2 là người bán hàng có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, dám nghĩ dám làm. Cuối cùng, người thứ ba là người biết phân tích nhu cầu và tâm lý đám đông, có ý tưởng tốt có giải pháp cụ thể nên đã mở một thị trường mới cho sản phẩm. Như vậy, tại một nơi không có yêu cầu, nếu biết quan sát, quan sát các mối quan hệ và biết sử dụng các cách kích cầu để bán hàng bạn sẽ tạo ra được một thị trường mới cho sản phẩm của bạn và mang về nguồn doanh thu lớn.
Bài học kinh doanh rút ra:
- Bài học rút ra đối với người bán lược thứ nhất đó là trong kinh doanh, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn gặp khó khăn, sự kiên trì và theo đuổi tới cùng sẽ mang đến thành công. Đây là một trong những bài học kinh doanh đắt giá mà bạn nhất định nên bỏ túi cho mình.
- Qua người bán lược thứ hai có thể thấy rằng đối với mỗi vấn đề, mỗi việc xảy ra trong quá trình kinh doanh, bạn không nên nhìn thiển cận vấn đề ở một phía mà phải mở tầm nhìn sâu rộng, biết quan sát để tìm lối ra cho vấn đề gặp phải. Biết cách tìm những yếu tố tác động trực tiếp đến khách hàng để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn. Sự thành công trong việc bán thành công sản phẩm của bạn không phải sản phẩm của bạn là gì mà đó là cách thức bán hàng của bạn như thế nào.
- Với người thứ ba là người đã làm tốt nhất, bán được nhiều lược cho nhà sư nhất. Qua đó bạn có thể thấy phân tích nhu cầu khách hàng và tâm lý đám đông ảnh hưởng tới khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Hãy biết tận dụng, khai thác tâm lý đám đông để hình thành nhu cầu cho khách hàng. Và quan trọng, bạn cần biết sáng tạo ý tưởng, xây dựng nhu cầu, khai thác và triển khai kế hoạch một cách tốt nhất.
Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!