Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói đến cái gọi là content “chuẩn SEO”, mình gọi nó là content TỐT. Vậy thế nào là một bài content tốt?
Với mình content tốt không chỉ phải đạt đúng + đủ về mặt kỹ thuật, có tính chuyên môn cao trong nội dung mà còn phải chạm được tới cảm xúc và tâm hồn của người đọc. Những yếu tố kỹ thuật chỉ dành để đáp ứng về mặt máy móc (đáp ứng bộ máy tìm kiếm, tối ưu cho tốc độ tải trang, cho hosting của web,…), tính chuyên môn giúp mang lại giá trị cho khách hàng, cho cộng đồng,… và cảm xúc sẽ giúp cho người đọc bài viết có thiện cảm và từ đó có thể đưa ra hành động (trở thành khách hàng, chia sẻ bài viết, bookmark bài viết,…)
1. Kỹ Thuật
Đây là yếu tố mình đưa lên đầu tiên, mặc dù mình không đặt yếu tố nào trong 3 là quan trọng nhất nhưng vì kỹ thuật trong content là điều mà nhiều bạn quan tâm (đặc biệt với content SEO, đặc biệt hơn là SEO trên website WordPress)
Kỹ thuật content mình lại chia nó làm 2 như sau:
a/ Văn phong
- Câu từ: mạch lạc, trình bày rõ ràng các vấn đề, sử dụng câu cú đúng ngữ pháp
- Cách đặt các dấu câu, các kiểu in đậm, in nghiêng hay chữ HOA, chữ thường
- Chính tả phải đúng (dĩ nhiên rồi)
- Cách thức trình bày: diễn dịch – quy nạp – móc xích – song hành – tổng phân hợp,… (sẽ nói kỹ ở bài sau)
- Trình bày nội dung: mở bài – thân bài – kết bài
b/ Tối ưu theo quy chuẩn web
Nói tới văn phong ở trên thì nó không chỉ áp dụng riêng cho content nào, mà hầu như chung chon mọi loại nội dung, nên những yếu tố sau đây sẽ áp dụng cho content trên website
Tiêu đề: ngắn gọn súc tích, đủ ý cần truyền đạt và có chứa từ khóa (hoặc không)
Từ khóa: có chứa trong tiêu đề, thẻ heading, phân bổ đều trong nội dung nhưng không nhồi nhét quá nhiều (có những bài còn không cần chứa từ khóa vẫn TOP, vì Google hiểu ngữ cảnh), nhiều bạn cố gắng bôi đậm, in nghiêng, tô màu cho tất cả từ khóa, nó không sai nhưng cũng chẳng có nhiều tác dụng đâu.
Heading: phân bổ hợp lý theo nội dung (H1, H2, H3, H4,…) tùy chủ đề nội dung và độ dài của văn bản, không phải nội dung bài nào cũng cần đủ 3-4 thẻ heading.
Hình ảnh:
- Không cần quá rõ nét, cũng không bị mờ (nhiều bạn chỉ vì để tối ưu mà giảm chất lượng / dung lượng quá thấp khiến hình ảnh bị mờ quá)
- Hình ảnh phải đáp ứng được 2 tiêu chí tối ưu là kích thước (với blog mình hay chọn ngang 600px hoặc 800px và dung lượng (cố gắng dưới 100kb, nếu cao hơn cũng không nên quá 150kb)
- Có gắn thẻ Alt đầy đủ (vẫn rất cần) ngoài ra một số tiêu chí khác bổ sung như mô tả hình ảnh, chú thích cho hình ảnh (caption)
- Nếu gắn watermark thì cũng không nên quá to (chiếm hết nội dung hiển thị trên hình ảnh), nhiều bạn vô duyên tới mức khi gắn logo lên hình nhân vật nào đó nhưng lại ịn luôn cái logo vào mặt người ta.
- Với một số bài cần hình thực tế, tốt nhất nên tự chụp và gắn watermark, geotag hình ảnh (cái gì của mình thì vẫn tốt hơn đi mượn)
- Những nội dung không thể chụp thực tế thì vay mượn tạm cũng chẳng sao (có vài cái thủ thuật đơn giản để hình ảnh trở nên khác biệt chút khi lấy trên internet về: cắt ghép, thêm chữ, lật trái phải,…
- Với những bài hướng dẫn liên quan đến web như đăng ký, xử lý, cách làm,… thì ảnh chụp màn hình thật là điều mà Google rất thích (mình test khá nhiều món này rồi)
- Có một món hình anh em có thể lấy khi viết bài review về địa điểm nào đó: vào Google maps người ta mà lấy (từ những hình ảnh do chủ địa điểm hay khách up lên), còn không thì vào fanpage họ mà “mượn”,.. nói chung nó thực tế hơn đi lấy đại cái hình trên internet của bên nào đó.
- Thêm: Videos (thật ra nó chẳng phải yếu tố kỹ thuật gì, chỉ là nói về hình ảnh tiện thì ghi luôn), video thì nên nhúng từ Youtube về (có căn chỉnh kích thước và thêm chú thích càng tốt)
- Ảnh đại diện: dĩ nhiên rồi, ảnh trong bài có thể không có nhưng ảnh đại diện không thể thiếu (đây là ảnh quan trọng nhất nên cũng cần quan tâm hơn, vì khi bạn share lên MXH thì ngoài yếu tố tiêu đề hay meta description thì đôi khi ảnh đại diện ấn tượng cũng thu hút click hơn)
URL: ngắn gọn càng tốt (nhưng nếu không thể rút gọn cứ để dài chẳng sao cả), tránh trường hợp nhiều bạn cắt quá đà. Với những tiêu đề có để mốc thời gian năm như 2022, 2023,… thì tốt nhất đừng đưa năm này vào Url (năm sau có refesh content cũng khỏi phải 301)
Chuyên mục: dĩ nhiên là bài viết thuộc chuyên mục hay danh mục nào thì chọn đúng với danh mục / chuyên mục đó. Nhiều bạn 1 bài chọn tới 4-5 cái chuyên mục (mình còn gặp mấy cái dạng web mà cứ chọn 1 chuyên mục thì nó lại ra 1 cái url khác: /chuyen-muc-a/bai-viet-1/ và /chuyen-muc-b/bai-viet-1/ (rất không tốt)
Schema: setup cấu hình schema hợp lý cũng là một điểm cộng cho content tốt
Meta Description: đây là nội dung quan trọng mà mình thấy nhiều bạn ít quan tâm, bạn có thể để mặc định (web tự lấy) nhưng tốt nhất nên viết lại nó (đừng để Google phải viết lại), một đoạn mô tả ngắn hấp dẫn sẽ thu hút khách hàng click vào liên kết hơn. Thêm nữa: nội dung có chứa từ khóa cần SEO càng tốt, còn không cứ phải nói rõ tóm lược nội dung (bổ trợ cho tiêu đề)
TOC: một cuốn sách dày mỏng cũng cần mục lúc, và nó điều hướng độc giả tốt hơn, vì vậy TOC cũng rất cần thiết cho nội dung (đặc biệt nội dung dài)
Liên kết: có 2 loại liên kết trong bài là internal link và external link. Cái này thì cần phân bổ hợp lý (nó basic quá nên bạn tự tìm hiểu), nhớ quan tâm tới một vài yếu tố: anchor text, rel=”NO” hay “DO” hay “sponser”,…
Tag: này thì tùy quan điểm, có hay không thì tùy bạn vì nó cũng 1 dạng như category thôi, nhưng nó không còn hiệu quả lắm (các trang báo hay dùng thôi)
… còn vài cái nhỏ nhỏ (cái nào lớn lớn mà quên thì tính sau)
2. Chuyên môn
Khi nói tới content thì chuyên môn là điều cần thiết, chuyên môn ở đây không nói tới tay nghề hay kiến thức chuyên sâu của người viết mà nói tới nội dung trong bài. Như các bạn thấy Google nói về EAT rồi gần đây lại là EEAT làm quan trọng.
Một bài content về nấu ăn không nhất định do đầu bếp viết, một bài content về y khoa không nhất định do bác sĩ viết,… nó có thể là do bạn content writer viết ra nhưng nội dung trong bài nhất định phải đúng chuyên môn, thể hiện được kinh nghiệm và trình độ, tính chính xác ở một số ngành đòi hỏi khắt khe và cao hơn như YMYL.
- Bài viết về ẩm thực dĩ nhiên phải khiến người đọc cảm nhận có chuyên môn về ăn uống
- Bài viết về y khoa phải khiến người đọc tin tưởng và an tâm khi thấy nó mang tầm chuyên gia, bác sĩ
- Bài phân tích về kinh tế vĩ mô, tài chính, bất động sản, chính luận,… đọc lên phải thấy được sự hiểu biết của người (đứng sau bài viết (chứ không hẳn người viết))
Như mình viết cái bài này chẳng hạn, có thể lĩnh vực khác không giỏi nhưng về lĩnh vực viết lách, content các kiểu con đà điểu thì mình cũng có chút ít kinh nghiệm về “bút chiến”, nên cũng tự tin để viết ra.
3. Cảm xúc
Nói tới cảm xúc là một điều gì đó khó khó mà dễ dễ. Thật là vậy, nó như tình yêu vậy: có khi vừa chạm một ánh mắt, đã uống vào men say nhưng cũng có khi cố tình trồng hoa hoa không nở,… nói thật là nếu nói cái khó nhất trong content có lẽ là “cảm xúc”.
Tại sao lại khó? Nếu nói về văn thơ, truyện ngắn, phóng sự, báo chí,… việc viết có cảm xúc là điều không quá khó, vì chủ bút là người chuyên: nhà văn, nhà thơ, nhà báo,…
Nhưng trong khuôn khổ bài này ta bàn tới content tốt cho SEO, thì mặt cảm xúc là điều mà anh em thường khó chạm tới. Bởi đa phần anh em làm SEO (nhất là tự SEO cho mình) thì đều là dân tech, dân dev, dân kinh doanh,… (kiểu như toán lý hóa thì 9-10 điểm mà văn thì 3-5 điểm, kk). Vậy nên mình đọc nhiều bài viết mang tính chuyên môn và kỹ thuật rất cao, ngược lại lời văn nó cứng nhắc và chẳng có chút cảm xúc nào luôn.
Có một số lần mình viết một bài hướng dẫn ABC gì đó liên quan đến website, mình cũng lên Google xem nhiều bài của anh em viết, sau khi xem một lượt thì mình cũng làm theo hướng dẫn rồi chụp lại màn hình trong quá trình làm, sau đó mình viết lại một bài hướng dẫn với lời văn của mình + hình ảnh mình chụp trước đó thì bài mình lên TOP nhanh và cao hơn mấy bài trước đó mình thấy của anh em viết.
Lấy một ví dụ về cách chế biến món ăn, nếu cho một đầu bếp viết thì họ sẽ viết theo kiểu: bước 1, bước 2, bước 3,… sau đó thì hoàn thành món, trình bày và thưởng thức. Tuy nhiên với một người có tâm hồn ăn uống + bay bỗng chút thì món ăn bỗng trở thành nghệ thuật (và quá trình chế biến ngoài các bước khô cứng kia sẽ như cách tạo ra một tác phẩm), họ sẽ nói sơ về những bữa cơm gia đình, những bữa tiệc liên hoan sinh nhật, nói về những lần du lịch, dã ngoại,… hay với một số món liên quan thần dược cho sinh lý thì cũng đá qua vài lời tình tứ,… đại loại ngoài kỹ thuật + chuyên môn thì cần có cảm xúc.
Không chỉ riêng content tốt cần cảm xúc, mà trong cuộc sống này tất thảy mọi thứ chúng ta đều cần tới cảm xúc. Vì chỉ có cảm xúc mới làm lay động tâm hồn, truyền rung động tới trái tim. Khi đã tin, đã yêu, đã thích, đã có cảm tình thì sẽ có hành động: mua hàng, đăng ký, ghé thăm, chia sẻ…
Ghi chú: Mình thành lập website cá nhân này nhằm thỏa mãn đam mê viết lách, bao gồm những bài blog mình tự viết và cả những nội dung sưu tầm. Nếu bạn yêu thích hãy cùng kết nối với mình qua Zalo: 0949.339.222 hoặc Facebook: Trịnh Bảo. Cảm ơn bạn đã ghé thăm!